Các Giống Bò Thịt



CÁC GIỐNG BÒ THỊT

KS Đặng Hoàng Minh

            
              

          I.MỘT SỐ GIỐNG BÒ THỊT ÔN ĐỚI
         
1. Bò CHAROLAIS
          
                             
          Là giống bò chuyên dụng thịt của Pháp có nguồn gốc từ vùng Charolais và được nuôi nhiều ở vùng L’Allier và La Nierve . Bò có lông màu trắng đục hoặc ánh kem. Da và niêm mạc có sắc tố, Bò Charolais thuộc loại to con mình dài, ngực sâu, lưng phẳng, đầu ngắn và thanh. Tuy không có hình dạng khối chữ nhật đặc trưng nhưng phần thịt thăn, mông và đùi phát triển; tỷ lệ các phần thịt này cao.
          Bò có tốc độ lớn nhanh, trong giai đoạn nuôi lớn và vỗ béo, mức tăng trọng hàng ngày của con đực có thể lên đến 1.100g, của con cái 950g. Lúc 12 tháng tuổi, con đực đạt 400-450kg, con cái đạt 380-400kg. Lúc 18 tháng tuổi, con đực đạt 650kg, con cái đạt 550kg, tỷ lệ thịt xẻ 60-62%. Con đực trưởng thành cân nặng 1.100-1.400kg, con cái cân nặng 700-900kg.
          Sản lượng sữa bình quân một chu kỳ 1.500-2.000kg đủ để nuôi con trực tiếp
          2. Bò HEREFORD

                  
       
          Hereford là giống bò thịt chuyên dụng nổi tiếng thế giới của Anh và còn được gọi là bò mặt trắng (white face). Hereford là giống bò ít đòi hỏi các điều kiện chăm sóc, thích hợp với điều kiện chăn thả và thích nghi với khí hậu nhiều nước. Hiện nay giống bò này được nuôi rộng rãi ở Anh, Mỹ, Canada… và nhiều nước khác trên thế giới.
          Giống này có ngoại hình tiêu biểu của bò chuyên dụng hướng thịt:thân hình vạm vỡ, chân và đầu ngắn, cổ dày, tròn và ngắn, u vai rộng, lưng hông thẳng và rộng, mông dài và nở, ngực tròn rộng. Đầu không to nhưng rộng. Cơ bụng, bốn khuỷu chân và khấu đuôi. Sừng có màu sáng, cong ra hai bên. Khối lượng trung bình: con đực 800-1100kg, con cái 600-750kg. Bò có tốc độ lớn nhanh; bê đực 12 tháng tuổi có thể đạt khối lượng 350-400kg hoặc hơn, lúc 18 tháng tuổi đạt 550kg. Tỷ lệ thịt xẻ của bò cao (65-70%), phẩm chất thịt ngon, mềm, thớ thịt nhỏ, giữa cơ bắp có lớp mỡ.
          3. Bò B.B.B
          Bò B.B.B (tên viết tắt tiếng Pháp Blanc Blue Belge= Bò trắng xanh Bỉ) là giống bò siêu thịt của Vương quốc Bỉ. Bò B.B.B cũng được nuôi và phát triển thành công tại Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Mỹ, Canada, Brazin, Úc..
          Bò B.B.B là kết quả của chương trình lai tạo giữa bò địa phương và bò Shorthorn, bắt đầu tiến hành vào những năm đầu của thế kỷ 20. Nhưng do chiến tranh nên mãi tới thập kỷ 60-70 chương trình mới thành công và một giống bò thịt mới ra đời, với sự phát triển tuyệt vời của cơ bắp.
          Bò B.B.B có ba màu lông chủ yếu là trắng, trắng loang xanh và trắng loang đen, trong đó có tỷ lệ bò có màu thuần trắng cao nhất.
          Bò B.B.B có thân hình đẹp, đồ sộ, cấu trúc xương vững chắc, hài hòa với xương sườn tròn, mông không dốc, đuôi dài vói túm lông dầy ở cuối. Bò đực B.B.B trưởng thành có khối lượng 1100-1250kg. Bò cái vào lúc chửa lần đầu có khối lượng 700-750kg. Tuổi đẻ lần đầu trung bình lúc 32 tháng. Nhưng nếu được nuôi tốt có thể đẻ lần đầu lúc 24 tháng tuổi. Thời gian mang thai trung bình 280-282 ngày. Khối lương bê sơ sinh 44kg.
          Bò B.B.B có khả năng sản xuất thịt tốt. Khối lương bò lúc 1 năm tuổi đạt 480kg (con đực) và 370kg (con cái). Nuôi tới 15-16 tháng tuổi đạt 650kg. Mức tăng trọng bình quân đạt 1300g/ ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 66%. Phẩm chất thịt thơm, ngon. Nhược điểm lớn nhất của Bò B.B.B là đẻ khó. Tại Bỉ, 95% số ca đẻ phải sử dụng đến phẫu thuật xoang bụng để lấy thai.

          II. MỘT SỐ GIỐNG BÒ CHUYÊN THỊT GỐC NHIỆT ĐỚI
1.     Bò BRAHMAN
Giống bò này đã được phát triển ở vùng vịnh Tây Nam nước Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thể kỷ 20, do tạp giao giữa 4 giống bò Zebu với nhau. Hiện nay giống bò này được nuôi rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới do khả năng thích nghi với khí hậu nóng ẩm, chịu được nhiệt độ nóng và ẩm độ cao, có sức đề kháng tốt với bệnh tật, trong đó có các bệnh do côn trùng và ký sinh trùng đường máu. Bò Brahman có khả năng phát triển trên đồng cỏ nghèo và khô, nhưng cũng thích hợp với chế độ nuôi thâm canh.
Bò Brahman là giống bò nhiệt đới, thuộc loại lớn con, thân dài, lưng thẳng, chân trung bình đầu dài, cổ khá dài, tai to và sụp. Lông thường có màu xám nhạt nhưng đôi khi có màu đỏ, đen hay đốm trắng, yếm phát triển, bao dương vật sa thấp. Khi trưởng thành, bò đực cân nặng 700-900kg, bò cái có khổi lượng 450-6450kg. Bê sơ sinh thường nhỏ nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, do chất lượng sữa của bò mẹ tốt, tỷ lệ mỡ cao, trên 5%. Trong điều kiện thức ăn đầy đủ, chăm sóc tốt, bê 1 năm tuổi có thể đạt khối lượng 250-375kg.
So với những giống bò chuyên thit ôn đới thì Bò Brahman cho tỷ lệ thịt xẻ thấp hơn (trung bình 52-58%) do chân dài, mông hơi dốc; sợi cơ thô và mùi vị của thịt thì chưa ngon. Mặt khác, Bò Brahman thành thục tính dục chậm bò cái thường được phối giống sau 2 năm tuổi
Tuy nhiên, do khả năng thích nghi tốt và tốc độ tăng trưởng cao nên nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhập giống bò này để phục vụ cho công tác lai tạo.
2.     Bò SAHIWAL
Bò Sahiwal là giống bò u của Pakistan. Bò có lông màu đỏ nâu, đỏ vàng hoặc vàng đỏ. Ngoại hình giống như bò Sind nhưng u vai ở con đực thể hiện rõ hơn, bầu vú ở con cái phát triển hơn. Bò trưởng thành :con đực nặng 450-500kg, con cái 350-400kg
3.     Bò DROUGHMASTER

                 
Bò có nguồn gốc từ Úc trên cơ sở lai tạo giữa giống bò Brahman đỏ nhập từ Mỹ với một số giồng bò ôn đới.
Đây là giống bò to lớn, có hoặc không có sừng. Lông ngắn, mượt, màu đỏ nhạt đến đỏ đậm. Da mỏng và đàn hồi. U kém phát triển. yếm và bao dịch hoàn của con đực và phần rốn của con cái khá phát triển.
Bò Droughtmaster có khả năng kháng ve và các bệnh ký sinh trùng đường máu tốt, có khả năng gặm cỏ và thích nghi tốt với điều kiện nóng ẩm hoặc khô hạn.
Khả năng tăng trọng và phẩm chất thịt tốt, tỷ lệ thịt xẻ cao.


4.     Bò SANTA- GERTRUDIS
Bò Santa-gertrudis được tạo ra ở King Ranch, Texas, là kết quả lai tạo giữa giống Shothorn, Hereford và bò Brahman (tỷ lệ máu bò Brahman là 3/8). Chinh vì vậy bò có tính thích nghi cao tại các vùng nóng (chịu đựng được nhiệt và độ ẩm cao), chịu đựng được kham khổ, chống chịu tốt các bệnh ký sinh trùng đường máu và cho năng suất cao.
Bò có lông mịn, ngắn, màu đỏ sẫm, đôi khi có đốm trắng dưới bụng. Da mỏng và có sắc tố đỏ. Có yếm to, dầy với nhiều nếp gấp. Ở bò đực, bao dương vật phát triển và sa sâu xuống phía dưới nên dễ bị tổn thương nếu chăn thả trên đồng cỏ có nhiều bụi rậm có gai. Ngực sâu, lưng phẳng.
Bò Santa-gertrudis thuộc loại nặng cân, con đực trưởng thành có khối lương 900-1000k, con cái trưởng thành nặng 600-800kg. Lúc 18 tháng tuổi bê đực nuôi thịt đạt khối lượng 550kg, bê cái đạt 400kg, tỷ lệ thịt xẻ trung bình 60%.
          III. MỘT SỐ GIỐNG BÒ KIÊM DỤNG HIỆN CÓ Ở NƯỚC TA

1.     Bò VÀNG VIỆT NAM

         
Bò vàng Việt Nam hay bò địa phương Việt Nam là tập hợp các quần thể bò, phân bố tương đối tập trung ở các vùng có yêu cầu về sức kéo trên đất nhẹ: vùng ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi…. Và các vùng đồi núi. Phần lớn có u nổi rõ nên được xem là có nguồn gốc như bò ZêBu Ấn Độ. Bò có sắc lông vàng, đậm nhạt tùy từng quần thể, từng vùng nên được gọi chung là “Bò Vàng”. Cũng có thể gọi tên theo vùng tập trung, tuy có ít nhiều sai khác về tầm vóc và sắc lông như bò Thanh Hóa, bò Lạng Sơn, bò Phú Yên..
Do có tầm vóc nhỏ bé nên thường được gọi là bò Cóc hay bò ta
Bò Vàng Việt Nam có nhiều đặc tính quý như: khỏe mạnh, nhanh nhẹn thich nghi lâu đời với điều kiện khí hậu nhiệt đới: chịu đựng được các điều kiện kham khổ và thiếu thốn thức ăn, sức chống chịu bệnh tật tốt, thành thục sinh dục sớm và mắn đẻ. Nhược điểm lớn nhất của bò ta là tầm vóc nhỏ, khối lượng thấp, thành thục tính dục chậm (khoảng 2.5-3 tuổi mới phối giống lứa đầu), năng suất sữa và thịt đều rất thấp. Khối lượng bình quân toàn đàn khoảng 160-200kg. Cơ thể thấp, mình ngắn và lép. Kích thước các chiều: cao vây: 95-110cm, dài thân chéo 113-120cm, vòng ngực 135-140cm. Kích thước của đực giống so vói kích thước của cái sinh sản không có sự chênh lệch lớn. Chu kỳ cho sữa khoảng 6-7 tháng. Với sản lượng từ 300-400kg/chu kỳ. Lượng sữa chỉ đủ cho con bú. Bò Vàng Việt Nam cũng không phải là giống bò cho thịt chuyên dụng, tỷ lệ thịt xẻ thấp, khoảng 40-42% và có sản lượng sữa rất thấp.Thịt ngon, nhưng do vân mỡ có rất ít nên khi nướng thịt bị cứng.
Để tạo ra con lai có tầm vóc lớn hơn và sức sản xuất tốt hơn, đã từ lâu chúng ta dùng bò đực giống Zebu cho phối với bò cái địa phương. Đặc điểm thời gian gần đây, nhờ triển khai chương trình “ebu hóa” (với việc sử dụng tinh bò đực Red Sindhi, Brahman hoặc Sahiwal), chúng ta đã tạo được đàn bò lai lớn và chất lượng tốt.
2.     Bò RED SINDHI ( bò Sind đỏ)

      

Thuộc nhóm bò Zebu, một giống bò u nhiệt đới được tạo ra tại vùng Sind (Pakistan). Bò Red Sindhi có màu lông đỏ, trán dồ, u vai cao, yếm rộng, âm hộ có nhiều nếp nhăn.
Bò đực Sind đỏ trưởng thành có khối lượng 500-550 kg; bò cái cân nặng  350-450 kg. Sản lượng sữa một chu kỳ 305 ngày dao động trong khoảng 1.400-2.100 kg. Tỷ lệ mỡ sữa rất cao từ 5-5,5%.
Ấn Độ và một số nước nhiệt đới trên thế giới nuôi bò Sind đỏ để cày kéo, hoặc lấy thịt, sữa, đồng thời làm nền để lai các giống bò sữa, bò thịt ôn đới, tạo ra các giống bò sữa, bò thịt nhiệt đới.
Từ những năm 1923-1924, một số bò Red Sindhi của Ấn Độ nhập vào nước ta. Quá trình lai cải tạo đã nâng cao tầm vóc, khối lượng, khả năng cho thịt , cho sữa của đàn bò Vàng Việt Nam.
3. BÒ LAI SIND
Bò lai Sdind là kết quả tạp giao giữa bò Red Sindhi với bò Vàng Việt Nam. Tỷ lệ máu bò Sind thay đổi rất lớn giữa các cá thể và do đó ngoại hình và sức sản xuất thay đổi tương ứng.
Ngoại hình của bò lai Sind trung gian giữa bò Sind và bò vàng. Đầu hẹp, trán gồ, tai to cụp xuống. Rốn và yếm phát triển; nhiều nếp nhăn. U vai nổi rõ. Âm hộ có nhiều nếp nhăn, lưng ngắn, ngực sâu mông dốc. Bầu vú khá phát triển . Đuôi dài, chót đuôi thường không có xương. Màu lông thường là màu vàng hoặc sẫm, một số ít có con vá trắng.
Tầm vóc lớn hơn bò Vàng; khối lượng sơ sinh 17-19 kg, khối lượng trưởng thành con đực 400-450 kg, con cái 250-350 kg. Có thể phối giống lần đầu lúc 18-24 tháng tuổi. Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ 15 tháng tuổi. Năng xuất sữa 1.200-1.400kg/chu ky2-270 ngày, mỡ sữa 5-5,5%. Có thể dùng làm cái nền lai với bò sữa hoặc lai với bò thịt chuyên dụng cho con lai nuôi thịt.
Bò lai Sind chịu đựng kham khổ tốt, khả năng chống chịu bệnh tật cao, thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm.  
IV. MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ CÔNG TÁC LAI TẠO BÒ THỊT Ở VIỆT NAM
Trong ngững năm 1978-1982 nước ta thử nghiệm dùng bò đực Santagertrodis và một số giống khác cho lai kinh tế với bò cái lai Sind, bê lai nuôi 22-24 tháng tuổi đạt khối lượng 250 kg, tỷ lệ thịt xẻ 50-51%.
Trong giai đoạn trước, ở nước ta đã có nhiều thử nghiệm lai tạo, sử dụng bò cái nền lai Sind phối với nguồn tinh của nhiều giống bò chuyên thịt như Charolais, Simmental, Hereford, Brahman … Kết quả thử nghiệm cho thấy: sức tăng trưởng của đàn bò lai của các giống nầy cao hơn hẳn bò lai Sind. Ở Bảo Lộc Lâm Đồng, bò lai F1 giữa bò địa phương với bò Charolais và Simmental có khối lượng 24 tháng tuổi là 297 kg và 315 kg so với bò lai Sind 212 kg; gấp 1,5 lần so với bò lai Sind.   
Dòng bò đực Charolais để lai kinh tế với các giống bò sữa hoặc kiêm dụng thịt sữa cho kết quả rất tốt. Bê lai nuôi thịt đạt khối lượng 500 kg lúc 18 tháng tuổi, với tỷ lệ thịt xẻ trung bình 60%.      




No comments:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu