MỘT SỐ DẠNG TOÁN DI TRUYỀN CƠ BẢN



I / BÀI TOÁN THUẬN : BIẾT P , TÌM F
Cách giải:
  1. Xác định trội, lặn
  2. Qui ước gen
  3. Xác định kiểu gen của P
  4. Viết sơ đồ lai --->  tìm F
Bài mẫu :
Ở cà chua quả đỏ là trội hoàn toàn so với quả vàng. Cho thụ phấn cà chua quả đỏ thuần chủng  với cà chua quả vàng, thu được F1. Cho F1 tự thụ phấn.
a/ Tìm kết quả F1 và F2
b/ Kết quả ra sao nếu cho cây quả đỏ F2 thụ phấn với cây quả đỏ thuần chủng ?
c/ Làm thế nào để xác định cà chua quả đỏ là thuần chủng hay không thuần chủng ? Cách làm ?
Giải :
a/Kết quả F1 và F2:
- Xác định trội, lặn: đỏ trội, vàng lặn
- Qui ước gen:
A: quả đỏ ; a : quả vàng
- Xác định kiểu gen của P:
        + Quả đỏ tc : AA
        + Quả vàng : aa
- Sơ đồ lai:
        P :           AA    x    aa
        GP:          A             a
        F1:                   Aa
         TLKG: 100% Aa
        TLKH: 100% quả đỏ
F1   x   F1  :    Aa       x       Aa
GF1:              A , a              A , a
F2 :                   AA, Aa, Aa, aa
TLKG:     1 AA : 2Aa  : 1aa
TLKH:      3 đỏ : 1 vàng
b/ Lai cà chua quả đỏ F2 với cà chua quả đỏ thuần chủng.
-          Xác định kiểu gen:
+ Quả đỏ F2 :  AA , Aa
+ Quả đỏ tc :  AA
  • Trường hợp 1 : Quả đỏ F2 có KG : AA
  • Trường hợp 2 : Quả đỏ F2 có KG : Aa
( HS viết sơ đồ lai cho mỗi trường hợp )
c/  Để biết cà chua quả đỏ tc hay không tc t alai phân tích : lai cà chua quả đỏ ( A- ) với cà chua quả vàng aa .
Nếu FB đồng tính ---> cây quả đỏ là thuần chủng, kiểu gen : AA
Nếu FB phân  tính --->  cây quả đỏ là không thuần chủng, kiểu gen : Aa

II/ BÀI TOÁN NGHỊCH : BIẾT F , TÌM P
                Cách  giải : 4 bước như bài toán thuận, trong đó :
Để xác định KG của P , ta có thể :
_ Dựa vào tỉ lệ của F1
_ Dựa vào kiểu hình của F1.
Bài mẫu 2 :
Lai 2 nòi chuột đều thuần chủng đuôi cong với chuột đuôi thẳng , F1 thu được toàn chuột đuôi cong. Biết tính trạng hình dạng đuôi chuột do 1 cặp gen qui định.
a/ Xác định tính trạng trội, lặn ?
b/ Nếu kết quả một phép lai thuộc 2 dòng chuột nói trên cho tỉ lệ kiểu hình ở đời con là 3 đuôi cong : 1 đuôi thẳng. Chuột đem lai ở thế hệ xuất phát P có kiểu gen và kiểu hình như thế nào ?
Giải:
a/ Xác định trội , lặn:
P tc : Đuôi cong x đuôi thẳng; F1 100% đuôi cong ---->  Đuôi cong là trội hoàn toàn, đuôi thẳng là lặn.
b/ Tìm P :
Qui ước gen: 
A: đuôi cong ; a : đuôi thẳng
Xác định kiểu gen của P :
Để F1 có tỉ lệ kiểu hình là 3 cong: 1 thẳng --->  Đây là tỉ lệ của quy luật phân li . Vậy chuột P phải là thể dị hợp , có kiểu gen và kiểu hình là : Aa ( đuôi cong)
Sơ đồ lai :
                P :  Aa     x     Aa
( HS tự viết sơ đồ lai kiểm chứng )
III/ LAI HAI TÍNH
  1. Viết giao tử
  2. Tính tỉ lệ giao tử, hợp tử
  3. Tính tỉ lệ kiểu gen, tỉ lệ kiểu hình
bài tập:
1/     Ở lúa , gen A : hạt tròn; a : hạt dài ; B: màu ngà ; b : trắng . Cho     P :  AABb   x   aabb . Tính :
  1. Số KG , số kiểu hình, tỉ lệ KG, tỉ lệ KH ở F1
  2. Số tổ hợp giao tử ở F1 ?
 2/  Tính :
-          Tỉ lệ giao tử ABD từ kiểu gen AaBbDD
-          Tỉ lệ giao tử abd từ kiểu gen aaBbDd
3/ Khi nghiên cứu 4 cặp gen nằm trên 4 cặp NST khác nhau ở đậu Hà Lan, người ta nhận thấy: cây bố có 3 cặp gen dị hợp và 1 cặp gen đồng hợp, cây mẹ có 3 cặp gen đồng hợp và 1 cặp gen dị hợp
         a .Cho biết số kiểu tổ hợp giữa các loại giao tử đực và cái là bao nhiêu?
         b. Nếu 3 cặp gen của bố qui định hạt trơn, màu vàng, thân cao và 3 tính trạng tương ứng ở mẹ là hạt nhăn, màu lục, thân thấp thì ở F1 tỉ lệ KG và tỉ lệ KH như thế nào? Biết các tính trạng trội là trội hoàn toàn.
 * Ghi chú : Không cần viết sơ đồ lai
4/ Một nhà nông mua một ít lúa giống hạt dài đem gieo chung, mong được giống lúa hạt dài thuần chủng. Nhưng khi thu hoạch, ông thu được lúa hạt dài và cả hạt tròn
        a. Giải thích tại sao có hiện tượng trên?
        b.  Với ý định loại lúa hạt tròn ra để chọn lúa hạt dài TC, ông phải lai như thế nào?
        c.  Một người khác ưa lúa hạt tròn. Ông này lai tạo lúa hạt tròn dễ hay khó hơn? Tại sao?
  * Ghi chú : Không cần viết sơ đồ lai




3 comments:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu