Bước đầu tìm hiểu về văn học so sánh
Bước đầu tìm hiểu về văn học so sánh
Lịch sử nhân loại, từ rừng già nguyên thủy, đã từng bước vận động đi lên, vượt khỏi thung lũng đồ đá, đồ đồng,... đến ngày nay, sống giữa kỷ nguyên khoa học - hiện đại. Những hình thái kinh tế xã hội, theo đó, nối tiếp nhau, dẫn đến sự hình thành, phát triển nền văn hóa đặc thù của từng dân tộc. Những nền văn hóa ấy, lúc đầu, như các lãnh địa phong kiến Châu Âu, chật hẹp và phong bế. Nhiều dân tộc thu mình trong sự cô lập, cằn cỗi. Đến thế kỷ XVIII, chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu chào đời, vươn vai, làm đứt tung những rào chắn của tư tưởng tự tôn, tự ti. Diện mạo mới khiến nhân loại nhận ra điều hệ trọng: các dân tộc phải mở cửa giao lưu, không chỉ kinh tế mà còn văn hóa. Giao lưu, tìm hiểu nhau, nhận biết mình,… trở thành nhu cầu bức thiết, sống còn của từng dân tộc. Nằm trong địa hạt văn hóa, văn chương cũng không ra ngoài nhu cầu đó. Từ chỗ tự ngắm mình, các nhà nghiên cứu văn chương Châu Âu bắt đầu đặt nền văn chương dân tộc trong quan hệ giao lưu, trao đổi quốc tế. Các nền văn chương dân tộc được xét tương quan trong hệ thống văn chương thế giới. So sánh văn học được coi trọng, và từ cấp độ phương pháp, được nâng lên thành phương pháp luận. Nó dần trở thành một bộ môn trong khoa nghiên cứu văn học: văn học so sánh. Trên tiến trình phát triển, có ba trường phái văn học so sánh nổi bật, với thành tựu đầy thuyết phục: Pháp, Mỹ và Xô Viết. Trường phái văn học so sánh Pháp (của Châu Âu nói chung) có xu hướng lịch sử. Họ chuyên tâm so sánh các nền văn học với nhau để thấy sự phát triển của lịch sử văn học từng dân tộc, mở rộng ra lịch sử văn học thế giới. Trường phái văn học so sánh Mỹ, ra đời sau, kế thừa thành tựu các nhà nghiên cứu Châu Âu, nhưng có xu hướng tìm lối đi riêng cho mình. Họ thiên về so sánh nghệ thuật. Không chỉ so sánh văn học với văn học, họ còn mở rộng, so sánh văn học với các lĩnh vực khác: triết học, nghệ thuật,... Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của hai trường phái trên không thoát khỏi sự lúng túng về phương pháp luận. Chính trong hoàn cảnh này, trường phái văn học so sánh Xô Viết, bằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, cùng các công trình nghiên cứu có giá trị, đã chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình: tính cách chặt chẽ, cân đối, nhất quán và sâu sắc trong cơ sở phương pháp luận(*).
Văn học so sánh Xô Viết, một mặt trân trọng, tiếp thu kết quả nghiên cứu của trường phái văn học so sánh Pháp và Mỹ, một mặt tiếp tục hoàn thiện quan điểm lý luận và phương pháp của mình. Nó đưa văn học so sánh đến giai đoạn trưởng thành: mang tính khoa học và nhân văn sâu sắc.
Thế mạnh của trường phái Xô Viết là so sánh theo quan hệ giao lưu và so sánh theo tương đồng loại hình. Chúng thúc đẩy nhiều nước nhanh chóng hình thành bộ môn văn học so sánh. Chúng còn giúp hai trường phái Pháp và Mỹ soi rọi lại hệ thống lý luận, thật sự chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình nghiên cứu. Bởi thế, để hiểu thành tựu của văn học so sánh, để vận dụng hệ thống phương pháp luận của nó vào nghiên cứu văn học, chúng ta không thể không tìm hiểu hai hướng so sánh này. Quá trình tìm dẫn chứng minh họa cũng là cơ hội thuận lợi để chúng ta hiểu hơn nền văn học Việt Nam, đặt trong toàn cảnh văn chương thế giới.
***
Trước hết, chúng ta cần nói rõ hơn khái niệm so sánh văn học và văn học so sánh. Trong đời sống, trong sáng tạo nghệ thuật, kể cả trong nghiên cứu văn học, bằng thói quen hoặc từ ý thức thẩm mỹ, người ta thường dùng thao tác so sánh. Nhưng các thao tác ấy, phần nhiều, chỉ nhằm biến khái niệm trừu tượng hiển hiện thành hình ảnh sinh động, thành hình tượng nghệ thuật, khơi gợi trực tiếp ấn tượng, xúc cảm. Còn các công trình học thuật, trước thế kỷ XVII – XVIII, chỉ mới dừng lại đối sánh những hiện tượng trong cùng một nền văn học. Khi đó, chúng chỉ là thao tác so sánh, ở cấp độ phương pháp, tức so sánh văn học.
Vậy thế nào mới là văn học so sánh? Văn học so sánh là tên gọi một hệ phương pháp luận, một bộ môn trong khoa nghiên cứu văn chương. Nó phải tuân theo những nguyên tắc đặc thù của bộ môn. Cụ thể, nó chỉ bao hàm những so sánh liên văn học: nó tiến hành đối sánh các nền văn học dân tộc với nhau. Quá trình đối sánh này phải bảo đảm tính khách quan, phi định kiến: nhà nghiên cứu, không vì lòng tự tôn, tự ti dân tộc, mà nhân danh văn học so sánh để hạ thấp các nền văn học dân tộc khác, hoặc mặc cảm về văn học dân tộc mình. Thao tác so sánh phải trên cơ sở cùng loại: tác phẩm sánh cùng tác phẩm, tác giả đi bên tác giả,… Sự so sánh phải đa diện, với nhiều cấp độ, nhiều hệ thống. Tất cả hướng về lợi ích quốc tế, giải quyết mọi cái riêng qua cái chung. Sự giàu có của văn học thế giới phải hội tụ từ vẻ đẹp phong phú, đặc sắc của từng nền văn học dân tộc. Ngược lại, văn học từng dân tộc, cũng nhờ đặt trong hệ thống, mà thấy mình độc đáo, đầy sức sống.
Mục đích của văn học so sánh, vì thế, nhằm xác định tính khái quát của văn học nhân loại, đồng thời chứng minh tính đặc thù của mỗi nền văn học dân tộc. Đó cũng là quá trình giải quyết cái chung và cái riêng, cái quốc tế và cái dân tộc. Mọi trường phái văn học so sánh, muốn thật sự khách quan, khoa học, đều phải tuân thủ các nguyên tắc và các mục đích cụ thể này. Văn học so sánh Xô Viết, bằng hướng so sánh theo quan hệ giao lưu và so sánh theo tương đồng loại hình, càng là những minh chứng sống động, toàn diện.
***
Xu hướng so sánh theo quan hệ giao lưu xuất phát từ thực tế sinh thành, vận động và sống còn của từng nền văn học dân tộc. Không có giao lưu, văn chương chỉ là một sinh thể héo rũ, một thứ văn chương chết. Từ xa xưa, giao lưu đã là hiện tượng xảy ra thường xuyên, phổ biến. Theo con đường giao lưu kinh tế, chính trị; bình đẳng hoặc cưỡng bức; các dân tộc ảnh hưởng văn hoá lẫn nhau; để rồi tụ kết trong lòng chảo văn chương. Nó biểu hiện qua sự tiếp xúc, tiếp nhận thành tựu của nhau, mô phỏng nhau; bởi sự truyền bá chính thức, rộng rãi, hoặc do những cá nhân chủ động tìm kiếm và tiếp thu. Từ đó, mỗi bên tự gạn lọc lấy chất tinh tuý của mình. Văn chương, khi ấy, thực sự là nơi kết tinh các giá trị tinh thần của một dân tộc, đồng thời là một phần của nhân loại.
Trong giao lưu văn hoá, ảnh hưởng nhau là một quy luật phổ biến. Nhưng các nền văn chương giao lưu nhau theo những tiêu chuẩn nào? Xét về qui mô, chúng biểu hiện qua ảnh hưởng cá nhân hoặc ảnh hưởng tập thể. Có những nhà văn lớn, qua tác phẩm đỉnh cao, đã in dấu ấn phong cách mình sang các nhà văn dân tộc khác. Có những trào lưu văn học, vượt biên giới, băng thời gian, lây lan từ nền văn học này sang nền văn học khác. Xét về nội dung ảnh hưởng, ta có ảnh hưởng về đề tài, về tư tưởng - tình cảm, về thể loại, loại hình, về phong cách, hay về kỹ thuật xây dựng tác phẩm,…Còn theo P. Van Tieghem, ta có thể quy về năm kiểu ảnh hưởng: ảnh hưởng do nhân cách nhà văn, ảnh hưởng về kỹ thuật viết văn, sự vay mượn tư liệu và chủ đề, ảnh hưởng về quan niệm, ảnh hưởng bằng cách đưa ra một khung cảnh nghệ thuật mới (*). Trong đó, sự vay mượn tư liệu, chủ đề là hiện tượng phổ biến.
Soi chiếu vào nền văn học Việt Nam, chúng ta thấy rõ điều này. Lịch sử 4000 nước Việt gắn quan hệ xa xưa với Ấn Độ. Ấn Độ có nền văn học dân gian cường tráng, bởi những sử thi bất tận như cát sông Hằng: Mahabharata, Ramayana,… Người phương Đông ngây ngất trước hình tượng một nàng Sita cao quý, thánh thiện. Họ tái hiện lại một Sita gần gũi, thân thương, theo tâm lý dân tộc mình. Ở Việt Nam, nàng Sita (Sêđa) trở thành đề tài chuyện kể, thành kịch bản sân khấu,…hấp dẫn đến mức, nhiều người không nghĩ nó vốn phát sinh từ xứ sở sông Hằng. Cũng trong sử thi Ramayana, nhân vật quỷ vương Ravana, đầy phù phép, xuất quỷ nhập thần. Để lại cái bóng lạ trên đất nước Việt Nam, nó gợi cảm hứng và tình tiết cho câu chuyện đầy mê hoặc: Dạ Thoa Vương (Lĩnh Nam chích quái). Nhân vật Dạ Thoa Vương cũng kỳ bí, đầy quyền năng, đâu kém "tiền thân" của nó.
Quan hệ với Trung Quốc, ta có hàng nghìn năm giao lưu, tình lân bang xen kẽ với áp lực cưỡng bức. Tuy nhiên, văn hóa không chịu được áp lực thống trị. Văn học Việt Nam chủ động thu nhận ảnh hưởng và vay mượn thành tựu văn hóa Trung Quốc. Nó như hạt ngô phương Bắc, nhờ tài trí ông cha, được đem về gieo trồng, cho quả ngon trên đất Việt. Về văn tự, thi pháp, thơ cổ điển Việt Nam hàm súc, cao nhã, cổ kính,… như thơ Đường Trung Quốc, nhưng không nhòa lẫn, trái lại, còn mang một cốt cách riêng. Tình Đỗ Phủ, Lý Bạch với quê hương, da diết trong những áng thơ Đường, gợi nhớ tình Nguyễn Trãi với làng quê, đậm đà trong vần thơ chữ Hán. Thơ Nguyễn Trãi còn điển cố, dấu tích văn hoá Trung Hoa, nhưng cấu trúc luật Đường bị phá vỡ, nhiều bài viết bằng quốc âm, tất cả đằm thắm, vẹn nguyên ý tình dân tộc Việt:
"Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương"
(Bảo kính cảnh giới – Nguyễn Trãi)
Hay bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, vẫn là chữ Hán, phú cổ thi, tầng tầng điển tích, điển cố, nhưng đã mang cái hồn và hào khí Trần Lê. Nó góp thêm cho nhân loại một dòng sông mãnh liệt, đủ tự hào sánh với Trường giang phương Bắc.
Về ảnh hưởng phong cách, chúng ta bắt gặp sự đồng điệu giữa Nguyễn Du và Đỗ Phủ (Thơ Đường – Trung Quốc). Khâm phục, cảm thương người xưa, Nguyễn Du nhận ra cả hai đều là cánh bèo trôi dạt, cầu thực tha phương, chốn quan trường lận đận. Từ đó, nhà thơ viết lên những vần thơ thống thiết yêu thương con người, cũng về những số phận, mà ngày xưa, Đỗ Phủ từng tuôn nước mắt...
Về ảnh hưởng đề tài, chúng ta từng thảo luận sôi nổi về Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Hai thể loại, hai thời đại, hai tài năng, nhưng cùng gặp nhau ở một tâm điểm, đó chính là nỗi xót thương, nỗi đớn đau tràn nước mắt về thân phận người kỹ nữ. Kiếp đàn bà bị dập vùi, đày đọa sao thời nào cũng có. Nguyễn Du rung động với tác phẩm người xưa, đồng cảm với thân phận con người, để rồi cất lên khúc hát tài hoa, chữ Nôm, thể lục bát dân tộc, chứa đựng khát vọng bi thương của một thời đại tối tăm, bế tắc.
Xét về thể loại, tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa ảnh hưởng không nhỏ đến Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Thế kỷ XVII - XVIII, xã hội Việt Nam rối ren, đầy biến cố. Những chấn động dữ dội của lịch sử, của lòng người,… đòi hỏi phải có một thể loại văn học dài hơi, đủ sức tái hiện cuộc sống. Bởi thế, Hoàng Lê nhất thống chí ra đời là một tất yếu. Nó không còn là những trang ghi chép của sử quan triều đình. Nó đã mang tầm vóc tiểu thuyết, bởi những ngòi bút đầy tài năng. Nó theo hình hài tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa: cốt truyện vận động theo trục thời gian; tính cách nhân vật được chạm khắc qua hành động, ngôn ngữ; những chỗ ngắt chuyển chương hồi đều dừng ở tình tiết gay cấn nhất,… Nhìn ở phương diện tư tưởng, tác phẩm gần với Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung). Bởi, cả hai đều theo quan điểm chính thống: Tam Quốc diễn nghĩa "ủng Lưu phản Tào", Hoàng Lê nhất thống chí ủng hộ vua Lê, đối đầu giặc Huệ. Tác phẩm cũng không xa Thuỷ Hử (Thi Nại Am): câu chuyện bắt đầu từ nội biến, loạn lạc trong triều, dẫn đến bùng nổ cuộc khởi nghĩa nông dân. Về tình tiết - sự kiện, các phe phái Lê – Trịnh – Nguyễn tương tự thế chân vạc Ngụy – Thục - Ngô (Tam Quốc diễn nghĩa). Còn nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh, tính cách đa nghi, gian hùng, chẳng kém chi Tào Tháo. Giống nhau nhiều đến thế, nhưng Hoàng Lê nhất thống chí không hề là phiên bản, là bóng mờ của hai thiên tiểu thuyết đồ sộ kia. Nó có phần sáng tạo lớn, được dân tộc hoá ở nhiều phương diện. Nếu Tam Quốc diễn nghĩa còn mượn nhiều yếu tố kỳ ảo, hoang đường thì Hoàng Lê nhất thống chí đậm một lối kể chuyện chân thực, không chuộng khoa trương, cường điệu. Đọc Tam Quốc diễn nghĩa, người đọc dễ gì tìm thấy chất hài, chất dí dỏm, nhưng Hoàng Lê nhất thống chí hầu như không thiếu. Nhiều tình tiết, sự kiện ẩn chứa tính bi hài. Nó phản chiếu sống động một thời đại cười ra nước mắt của lịch sử Việt Nam. Chính nhờ so sánh giao lưu, chúng ta nhận ra, tiểu thuyết chương hồi của Việt Nam mang những đặc trưng riêng, không phải là bản chép lại của văn chương Trung Quốc.
Từ cuối thế kỷ XIX, hoàn cảnh chính trị khiến Việt Nam phải lệ thuộc Pháp. Kéo theo, văn hoá Pháp, cụ thể là văn chương Pháp, bắt đầu ảnh hưởng sâu sắc đến diện mạo văn học Việt Nam. Nơi đây, tiểu thuyết phương Tây gieo được những hạt giống đầu tiên. Tại Nam Bộ, tiểu thuyết chữ quốc ngữ lần đầu ra đời, năm 1889: Thầy Lazarô Phiền. Tác giả Nguyễn Trọng Quản còn dè dặt trong sáng tạo, nên phải vay mượn nhiều: đề tài, cốt truyện, tình tiết,… Bởi thế, nó được đánh giá khiêm tốn: "Truyện Thầy Lazarô Phiền chỉ là con chim lạ từ phương Tây đáp xuống một vùng đất còn vắng bóng đồng loại"(Bằng Giang) (*). Nhưng dẫu sao, nó vẫn là con chim lành, báo tin một mùa hoa trái mới vừa đến với người đọc Việt Nam. Quả thật, sau đó, chúng ta có Hồ Biểu Chánh, với vụ mùa tiểu thuyết bội thu. Vẫn còn mô phỏng cốt truyện phương Tây: Chúa tàu Kim Quy, Ngọn cỏ gió đùa,… nhưng Hồ Biểu Chánh đã Việt Nam hoá chúng. Đọc Ngọn cỏ gió đùa, chúng ta không khó khăn để nhận ra Những người khốn khổ (V. Hugô). Nhưng chúng ta cũng dễ dàng đón nhận nó, một tiểu thuyết mang hồn Việt Nam: tình làng nghĩa xóm đậm đà, con người Nam Bộ khí khái, lời ăn tiếng nói hàng ngày mộc mạc, trẻ trung, … Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, về phương diện ý nghĩa, đã giúp người đọc bình dân đến gần văn học phương Tây, và quan trọng hơn, nó giúp con người Việt Nam vững lòng tin vào điều thiện, tìm được đường đi, giữa một xã hội lẫn lộn thực hư, đầy cạm bẫy và cám dỗ. Sứ mệnh trọng đại này không thể gởi gắm vào bất cứ tiểu thuyết phương Tây nào khác. Người đọc được nâng cao dần trình độ, tiểu thuyết Việt Nam cũng được nâng dần về chất. Có thể xem Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách) là quả dưa chín đỏ, ngọt ngào nhất trong ba thập niên đầu thế kỷ XX. Tác phẩm đã táo bạo, nhổ bỏ rào cản tư tưởng phong kiến giáo điều, thâm nhập vào tình yêu, khai thác nội tâm cháy bỏng, rạo rực, của những chàng trai, cô gái tân thời. Chính nó cũng khẳng định bước trưởng thành của nghệ thuật tiểu thuyết: "… từ môi trường nhãn giới sang môi trường tâm giới, từ khuynh hướng đạo lý sang khuynh hướng tâm lý"(Nguyễn Huệ Chi)(**). Cũng cần nói thêm về Nhất Linh, chủ soái nhóm Tự lực văn đoàn. Về tư tưởng, nhà văn – trí thức Tây học này ảnh hưởng sâu sắc tính chất duy lý của chủ nghĩa cổ điển Pháp. Về văn phong, Nhất Linh biến những tiểu thuyết luận đề (Đoạn tuyệt, Bướm trắng,...) thành một khúc hòa điệu say đắm giữa tính chất cổ điển (rành mạch, trong sáng) với tính chất lãng mạn (nhạc điệu, tạo hình, gợi cảm). Ở đó, tính cách nhân vật được ông lý giải bằng ý định chủ quan (ảnh hưởng lãng mạn), có lúc bằng lý tính, bằng sự đối lập giữa tình cảm và lý trí trong các mối xung đột (ảnh hưởng chủ nghĩa duy lý).
Rõ ràng, với tinh thần tiếp thu sáng tạo, sức sống mạnh mẽ, tiểu thuyết hiện đại Việt Nam dần thoát ly sự vay mượn, mô phỏng phương Tây, thực sự là một thể loại trẻ, khoẻ của văn học nước nhà.
Cũng ảnh hưởng từ phương Tây, thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ XX có một sự hoá thân kỳ diệu. Những vần thơ Hán – Nôm, nương bóng văn hóa Trung Hoa cổ, đã không còn nhựa sống. Nó nhợt nhạt như nắng chiều. Nó không còn thích hợp để sưởi ấm, để làm tăng hồng cầu cho một lớp người đọc mới. Nhân đó, thơ tượng trưng, thơ siêu thực Pháp, đã lùa theo gió Tây, kịp thời khuấy động tâm hồn bao thanh niên khát khao tìm hiểu chính mình. Thơ Mới ra đời trong bối cảnh ấy. Nó là cuộc hôn phối văn hóa Đông – Tây, mà cơ hội nghìn năm có một. Một bài thơ Tình già (Phan Khôi) dám xô đổ niêm luật Đường thi. Một sự xuất hiện của Thế Lữ đã khiến "trong khoảnh khắc, cả hàng ngũ thơ xưa tan vỡ"(chữ dùng của Hoài Thanh). Ảnh hưởng văn hóa Pháp, Thơ Mới đổi mới ngay trong "gu" thẩm mỹ, nói như Lưu Trọng Lư: "Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong tâm hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận, hờn, nhất nhất như ngày trước". Lúc này, thể thơ tự do, cấu trúc câu thơ Pháp, cách diễn đạt Pháp được các nhà thơ vận dụng mềm mại, tự nhiên vào tiếng mẹ đẻ. Người đọc Việt Nam lần đầu nếm được hương vị lạ, thấy được những ấn tượng xưa nay mơ hồ. Đó là "hơn một loài hoa, vài miếng đêm", hay "gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối, lá liễu dài như một nét mi ..." (thơ Xuân Diệu). Có khi, nó chỉ là cảm giác:
"Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi"
(Huy Cận)
Sự đổi mới hình thức nghệ thuật gắn liền nhu cầu đổi mới cảm xúc và cách nhìn cuộc sống. Các nhà thơ tìm thấy ở thiên nhiên, sự vật một sự sống nồng nàn, chẳng kém con người. Chúng mô phỏng theo vẻ đẹp con người, cũng rung động như thế giới nội tâm con người. Con người "vô ngã" của văn học trung đại phải nhường chỗ cho một "cái tôi" đã ý thức trọn vẹn về sự tồn tại của nó. Thế giới nội tâm tinh vi được nhận thức và mô tả thành hình tượng. Chán ghét thực tại, các nhà thơ tìm cách tạo ra không gian mới cho thơ ca. Lưu Trọng Lư đắm chìm trong không gian mộng, Thế Lữ say đắm với không gian tiên, Hàn Mặc Tử bồn chồn trong không gian mơ ước và chơi vơi cùng không gian vĩnh cửu,... Khu vườn Thơ Mới thỉnh thoảng vương một ít hình hài lạ, còn ấm hơi thơ Pháp. Nhưng nó vẫn là cây lá Việt Nam, không vắng hoa đồng cỏ nội, và rất nhiều loài phương xa, nay đã thành hoa đồng cỏ nội. Tất cả đều mang cái hồn trinh bạch của tình yêu đất nước - một nước Việt Nam u buồn nhưng tiềm ẩn sục sôi tinh thần dân tộc. Thơ Mới, cuộc cách tân làm nên "một thời đại trong thi ca"(chữ dùng của Hoài Thanh), thực chất cũng là sự bừng tỉnh của một thế hệ trẻ, khát khao đưa văn học nước mình sánh cùng thế giới hiện đại.
Nói đến so sánh theo quan hệ giao lưu, chúng ta không quên ảnh hưởng của trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa (từ Liên Xô cũ) đối với văn học Việt Nam. Gia nhập hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam được sự giúp đỡ của người bạn lớn: Liên Xô. Hàng loạt nhà văn Nga được dịch và giới thiệu, nhiều nhà nghiên cứu được trang bị vũ khí lý luận từ những viện, những trường đại học uy tín nhất Liên Xô,... Văn học Nga dần trở nên quen thuộc với bạn đọc, là mẫu mực cho nghệ sĩ sáng tạo, là cơ sở cho các nhà nghiên cứu văn học đối chiếu,... Bởi vậy, từ chỗ ảnh hưởng trào lưu hiện thực Pháp, văn học Việt Nam, sau 1945, chảy theo một dòng duy nhất: trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Văn học đề cao việc xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Văn học là nhân học; văn học phản ánh con người mới, cuộc sống mới,... Tác phẩm luôn có khuynh hướng sử thi và dạt dào cảm hứng lãng mạn,... Sự giao lưu tốt đẹp này đã giúp văn học Việt Nam liên tục gặt hái thành quả gần nửa thế kỷ qua. Trong đó, người đọc cũng tìm ra những liên hệ thú vị. M Gorki với Nguyên Hồng là một dẫn chứng. Hai con người, một tuổi thơ trôi giạt đầy bất hạnh, một tinh thần tự học bền bỉ, một sự trải nghiệm sâu sắc cuộc đời, cả hai cùng có bộ tự truyện cay đắng, xúc động về thời thơ ấu, cùng có những trang văn ngợi ca vẻ đẹp con người, thống thiết tình yêu thương con người lao khổ,...
Qua vài dẫn chứng trên, chúng ta thấy rõ, giao lưu là hiện tượng thường xuyên, có tính quy luật đối với bất cứ nền văn học dân tộc nào trên thế giới. Chính so sánh văn học theo quan hệ giao lưu đã giúp các nhà nghiên cứu nhận chân được bản sắc từng nền văn học, cũng như xác định vị thế, tương quan của chúng trong toàn cảnh văn chương thế giới.
***
Kế đến, chúng ta tìm hiểu so sánh văn học theo quan hệ tương đồng. Đây là xu hướng mang dấu ấn sâu đậm của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Lịch sử nhân loại là quá trình vận động đi lên, là sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội khác: công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội. Mỗi một hình thái có một nền văn hóa tương ứng, với vai trò đáng kể của văn học. Văn học được xem là tấm gương phản ánh trình độ tư duy, đời sống vật chất, khát vọng tinh thần của con người thời đại. Ở từng dân tộc, khi chữ viết chưa được hình thành, văn học dân gian đã kịp thời ra đời, tự gánh vác sứ mệnh lớn lao của nó. Bắt đầu từ thế giới thần thoại, truyền thuyết, rồi đến khu rừng cổ tích, cánh đồng màu mỡ của thơ ca,... văn học dân gian là nguồn sữa vô tận cho đời sống tinh thần, làm nên bản sắc từng dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa khi thế giới chưa có khái niệm giao lưu. Không có giao lưu, chưa từng đối sánh, trình độ phát triển không đều, nhưng hầu hết các nước đều có sự gặp gỡ, trùng hợp kỳ lạ về thành tựu văn học dân gian. Hầu như các nước đều hiện diện những thể loại trên. Chúng gặp nhau từ nội dung ý nghĩa đến nét đặc sắc nghệ thuật. Lý giải hiện tượng này chỉ có thể bằng mẫu số chung: chúng cùng một hình thái kinh tế – xã hội. Chính trình độ kinh tế giống nhau kéo theo những quan hệ xã hội giống nhau, trình độ tư duy của con người giống nhau, những buồn vui, khổ đau không khác, nên mơ ước cũng trùng nhau.
Chúng ta thử điểm qua vài dẫn chứng. Bắt đầu là kho tàng thần thoại. Thế giới có thần thoại Hy Lạp, thần thoại Ấn Độ, thần thoại Trung Quốc, thần thoại Việt Nam,... Dù quy mô khác nhau, ra đời không cùng lúc, nhưng tất cả đều là câu chuyện trang trọng về các vị thần, là sự giải thích ngây thơ của người xưa về nguồn gốc hình thành vũ trụ và sự ra đời của con người,... Tất nhiên do đặc thù dân tộc, thần thoại Hy Lạp mang tính chất duy lý của người phương Tây, thần thoại Trung Quốc, Ấn Độ nặng phần tâm linh, thần thoại Việt Nam có xu hướng thành truyền thuyết,...
Về thể loại sử thi, chúng ta có trường ca Iliat, Ôđixê (Hy Lạp), sử thi Mahabharata, Ramayana (Ấn Độ), sử thi Đăm San (Việt Nam),... Những bài ca này đều được kể, được hát suốt sáng thâu đêm. Thủ pháp phóng đại, kết cấu trùng điệp được khai thác triệt để. Các bài ca đều tái hiện những cuộc chiến tranh lớn, ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng, đó là những cuộc chiến tranh giành giật quyền lợi, đất đai, mở mang bờ cõi,... Qua đó, nó xây dựng một con người mẫu mực, hiện thân cho lý tưởng, đạo đức thời đại.
Đến kho tàng cổ tích, Đông, Tây gì cũng giàu có. Vừa có quan hệ giao lưu, vừa có tương đồng loại hình là những tác phẩm kiểu như Panchatantra (Ấn Độ), Nghìn lẻ một đêm (Ả Rập). Trong Panchatantra, chuyện kể về người đàn bà vắng chồng, ngoại tình. Nàng ta muốn đến với tình nhân. Nhưng mỗi lần định rời khỏi nhà, nàng đều được con vẹt gọi lại, kể cho nghe một câu chuyện kỳ thú. Chuyện hấp dẫn đến nỗi nàng không thể cất bước. Khi người chồng trở về, câu chuyện kết thúc, người đàn bà cũng từ bỏ ý định ngoại tình. Được khơi nguồn từ đó, Nghìn lẻ một đêm xây dựng câu chuyện về ông vua dâm bạo với lời nguyền sẽ giết chết bất cứ người con gái nào, sau đêm ân ái. Thế là nàng Xêhêrazát, bằng sắc đẹp và tài kể chuyện, nàng đã kể một nghìn lẻ một câu chuyện ly kỳ cho vua nghe. Nhà vua say mê chuyện kể, suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện mà thay đổi tính tình, bỏ luôn cả lời nguyền tàn bạo kia. Loại hình và kiểu kết cấu này có sức hấp dẫn người đọc nhiều dân tộc, nhiều thời đại. Sau này, một số truyện của La Phông ten (Pháp) cũng chịu ảnh hưởng và thành công. Về tương đồng kiểu nhân vật, phương Tây có nàng Lọ Lem, Việt Nam có cô Tấm. Phương Tây có chuyện chàng trai út bị hất hủi, bị lưu lạc và thử thách, Việt Nam cũng có người em nghèo cùng cây khế, có chàng trai cày ruộng với con chó, con mèo,... Những chàng trai ấy, dù cơ cực, thiệt thòi, cuối cùng, đều được sống trong hạnh phúc. Những câu chuyện này tương đồng nhau, bởi cùng kiểu truyện người bất hạnh, người mồ côi, người em út. Bởi cùng mô típ bị thử thách, vượt thử thách, rồi được đền bù bằng phần thưởng,... Hay như kiểu truyện người thông minh dùng mẹo lừa, Việt Nam có truyện Trạng Quỳnh, Lào có truyện Xiêng Miểng, Campuchia có Thơmênh Chây. Chưa rõ chúng có ảnh hưởng do giao lưu không, nhưng cả ba đều cùng kiểu kết cấu xâu chuỗi, nhân vật chính có mặt trong từng câu chuyện nhỏ hoàn chỉnh, luôn luôn dùng mẹo lừa để chiến thắng những người định bỡn cợt, hãm hại mình.
Phong phú hơn cả là kho tàng ca dao dân ca. Xung quanh Việt Nam có Kinh thi (Trung Quốc), Xúphaxít (Lào),... Chúng khác nhau thời điểm ra đời, nhưng nghệ thuật giống nhau, cùng sử dụng phú, tỉ, hứng để triển khai hình tượng, bày tỏ cảm xúc. Chúng là tiếng hát chung của quần chúng nhân dân. Nội dung của chúng vô cùng phong phú. Đó là người dân nghèo, với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, nhiệt tình lao động. Thế mà họ vẫn nhọc nhằn, cực khổ, bị vua quan bóc lột. Họ chán ghét chiến tranh. Họ mãnh liệt trong tình yêu và coi trọng hôn nhân gia đình. Ta thử đọc một bài trong Kinh thi:
"Thương chàng trong dạ đăm đăm
Mẹ cha cấm đoán khó khăn trăm đường"
(Bách chu)
Bài ca có khác gì ý tình trong ca dao Việt Nam:
"Hòn đá đóng rong
Vì dòng nước chảy
Hòn đá bạc đầu
Vì bởi sương sa
Em thương anh chẳng dám nói ra
Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời..."
Hay như những câu ca trong Xúphaxít:
"Rét vì gió, đắp chăn
Rét vì mưa, sưởi lửa
Rét vì lòng người, khó ở"
Trong cách thể hiện, chúng chẳng khác gì ca dao, tục ngữ Việt Nam:
"Dò sông, dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người".
Tuy nhiên, văn học dân gian mỗi dân tộc cũng có những điểm khác nhau, biểu hiện tâm hồn, tính cách khác nhau. Đọc Kinh thi, chúng ta như bơi giữa trường giang "trùng chương điệp cú"ù, nhưng với ca dao Việt Nam, chúng ta như chòng chành trên ao hồ, hái những búp sen hồng, bởi bài ca ngắn gọn và xinh xắn. Hay Xúphaxít, bài ca của xứ Lào nhiều rừng lắm núi, không dễ có những dòng lục bát ngọt ngào, trôi chảy như sông rạch, đồng ruộng mênh mang nước Việt.
So sánh theo tương đồng loại hình, thực ra, không thu hẹp ở bộ phận văn học dân gian. Xét thời đại với thời đại, chúng ta cũng bắt gặp vô số sự tương đồng kỳ lạ. Thử làm cuộc so sánh giữa thiên tài Puskin (Nga) và Nguyễn Du (Việt Nam). Nếu Puskin có tuyệt tác Épghênhi Ônhêghin thì Nguyễn Du có Truyện Kiều. Hai sự tương đồng trong tư duy nghệ thuật, tiêu biểu cho sự tương đồng của hai nền văn hóa. Cùng phát hiện điều này, nhiều nhà nghiên cứu đã có lời đánh giá sâu sắc. Trần Trọng Đăng Đàn so sánh: "Éùpghênhi Ônhêghin (...) là niềm tự hào của nhân dân Nga từ hơn 160 năm nay, như là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du"(*). Hay Hoàng Minh Châu cũng đánh giá Puskin, qua kiệt tác này: "Giống như Nguyễn Du, anh (Puskin) đã vẽ ra đầy đủ những bức tranh một thời mà sống muôn thuở"(**).
Bước đầu có thể thấy, so sánh theo tương đồng loại hình cũng là một xu hướng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, có giá trị cho bộ môn so sánh văn học thế giới. Bằng xu hướng này, triển vọng khảo sát và khái quát đặc trưng tất cả các loại hình văn học nằm trong tầm tay chúng ta. Cũng từ đó, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đưa văn học các dân tộc gần nhau hơn, để cùng soi sáng cho nhau và cùng tỏa sáng.
***
Trên đây là những hiểu biết hạn chế của bản thân về lý thuyết văn học so sánh, cụ thể là so sánh theo quan hệ giao lưu và so sánh theo tương đồng loại hình. Cơ sở lý luận không nhiều, bởi thời gian học và tìm hiểu quá ngắn ngủi, tài liệu tham khảo còn ít. Tuy nhiên, bản thân cũng cố gắng tiếp thu bài, thẩm thấu nó bằng cách đi tìm dẫn chứng cụ thể, hy vọng có thể nhớ lâu hơn vấn đề, và biết đâu, mai này sẽ tự mình tiến hành công việc nghiên cứu, theo lý thuyết văn học so sánh, như các nhà nghiên cứu đã từng làm.
Điều này buộc bản thân phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu về môn học mới mẻ này, không chỉ qua các giáo trình, mà còn qua chính thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu văn học nước nhà.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2001
VPC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
***
1. Khoa Ngữ Văn – Kỷ yếu khoa học – Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh – 1999.
2. Lưu Đức Trung – Đinh Việt Anh – Văn học Ấn Độ – Lào – Campuchia – NXB Giáo Dục – Hà nội - 1989.
3. Nguyễn Văn Dân – Lý luận văn học so sánh – NXB KHXH – Hà Nội - 1998.
4. Phạm Thị Hảo – Văn học Trung Quốc – Trường Đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh – Năm học 1986 – 1987.
5. Trần Thanh Đạm – Dẫn luận Văn học so sánh – Tủ sách Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh – 1995.
6. Một số bài báo về văn học so sánh, đăng trên các tạp chí, nhưng chưa tìm được xuất xứ chính xác.
(*) Theo Trần Thanh Đạm – Dẫn luận Văn học so sánh – Tủ sách Đại học Tổng hợp T.P Hồ Chí Minh – 1995.
(*) Dẫn theo Nguyễn Văn Dân – Lý luận văn học so sánh – NXB KHXH – Hà Nội –1998.
(* ) Bằng Giang – Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930 – NXB Trẻ - 1992 (Dẫn theo Kỷ yếu Khoa học – Khoa Ngữ Văn – Trường đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh – 1999).
(**) Nguyễn Huệ Chi – Hoàng Ngọc Phách, đường đời và đường văn – NXB Văn Học - Hà Nội - !996 (Dẫn theo Kỷ yếu Khoa học – Khoa Ngữ Văn – Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh – 1999)
(* ) (**) Dẫn theo Kỷ yếu Khoa học – Khoa Ngữ văn - Trường đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh – 1999.
No comments: