PHÂN BIỆT TRUYỀN THUYẾT VÀ GIAI THOẠI
BƯỚC ĐẦU PHÂN BIỆT
TRUYỀN THUYẾT VÀ GIAI THOẠI
VÕ PHÚC CHÂU
***
1.
Phân biệt truyền thuyết và giai thoại – vấn đề đặt ra tưởng chừng không cần
thiết. Bởi chúng đã là hai thể loại khác nhau. Từ điển văn học (bộ mới) giới thuyết chúng rõ ràng qua việc giải
thích thuật ngữ [1]. Nhiều
công trình sưu tầm, nghiên cứu về phônclo cũng không xem chúng là một [2].
Tuy
nhiên, việc phân biệt hai thể loại này lại liên quan trực tiếp đến vấn đề lý
thuyết lẫn thực tế sưu tầm, biên soạn văn học dân gian.
1.1.
Trong khoa học về phônclo, việc đối sánh các thể loại với nhau luôn là thao tác
hữu hiệu nhằm củng cố thêm đặc trưng thể loại và tìm hiểu cấu trúc bên trong
tác phẩm. Thao tác này được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất và
khó khăn nhất của người nghiên cứu văn học dân gian. Vì theo Propp, “ranh giới giữa các thể loại không phải bao
giờ cũng vững chắc và đôi khi cũng bị phá vỡ” (V. IA. Propp, 1976, Phônclo và thực tại, NXB Khoa Học,
Moskva - Bản dịch tiếng Việt của Chu Xuân Diên – tài liệu đánh máy, tr.28).
Truyền thuyết và giai thoại cũng không có ngoại lệ: “… Trong những ghi chép sớm nhất, giai thoại văn học thường không phân
giới rõ rệt với truyền thuyết, truyền kỳ, có những mảng giai thoại xuất hiện
thời kỳ sau lại gần với tiếu lâm” (Từ điển Văn Học, Sđd, tr.519).
1.2.
Thực tế càng chứng tỏ hai thể loại này chưa được phân giới rõ ràng. Khi sưu
tầm, khảo sát chuyện dân gian về những anh hùng kháng Pháp ở Nam Bộ, có quan
điểm cho rằng: “Khác với những truyền thuyết danh nhân ở Bắc Bộ, những
truyện ở đây có thể xem là những giai thoại vì nó gần gũi với người thật, ít có
yếu tố siêu nhiên, thần kỳ” (Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long,
NXB Giáo Dục, 2002, tr.14). Có
công trình gộp chung mọi tự sự dân gian vào giai thoại (Giai thoại dân gian
Đồng Tháp Mười, NXB Đồng
Tháp, 1988). Có tập sách gọi một số tác phẩm là giai thoại, trong khi chúng hội
đủ những đặc trưng của truyền thuyết: Giai thoại về Thiên Hộ Dương, Giai thoại về
ông Phòng Biểu… (Nam kỳ cố sự,
NXB Đồng Tháp, 1997).
2. Về
thao tác khoa học, việc đối sánh hai thể loại này tưởng chừng chông chênh. Liệu
có nên khảo sát một đối tượng khi nó còn đang vận động và biến đổi ? Bởi truyền
thuyết đôi khi còn nhập nhằng với thần thoại, cổ tích [3].
Giai thoại thuộc về văn học viết hay văn học dân gian [4]?
Giai thoại có phải là một loại hình của truyện cổ tích hay không ? (Phônclo và thực tại , Sđd, tr.44) v.v.
Thực
ra, sự phức tạp trên không ngăn trở việc tìm ranh giới giữa truyền thuyết và
giai thoại. Trái lại, nó còn hỗ trợ cho việc nhận diện rõ hơn đặc trưng, cấu
trúc của các thể loại này - cơ sở quan trọng dùng đối sánh. Hơn nữa, nếu một
thể loại văn học dân gian (biểu hiện qua từng đơn vị tác phẩm cụ thể) luôn có
sự biến đổi, giao thoa với thể loại khác thì điều đó càng chứng tỏ nó vẫn đang
sống và rất giàu sức sống. Về điều này, Propp đã từng khẳng định: “Tác phẩm phônclo vận động, luôn luôn thay
đổi, và sự vận động, sự thay đổi ấy là một trong những dấu hiệu đặc trưng của
phônclo” (Phônclo và thực tại , Sđd, tr.12).
3. Tiến
hành phân biệt truyền thuyết và giai thoại cũng đồng nghĩa với việc quay về
khảo sát đặc trưng từng thể loại và đối sánh chúng với nhau. Nó gắn với hàng
loạt câu hỏi: Truyền thuyết là gì? Giai thoại là gì? Chúng thường nhập nhằng ở
phương diện nào? Tại sao có sự nhập nhằng ấy? Những căn cứ nào giúp phân biệt
chúng? Có thể rút ra dấu hiệu nhận dạng từng thể loại không?...
Bằng
kiến thức và tầm nhìn có hạn, chúng tôi xin bước đầu trả lời những câu hỏi này.
3.1.
Truyền thuyết là một thể loại lớn trong văn học dân gian, đã hình thành, vận động
và phát triển lâu đời. Ở Việt Nam ,
nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã xác định được bản chất thể loại này.
Tựu
trung, truyền thuyết là những tự sự dân gian có cái lõi lịch sử; màu sắc ít
nhiều huyền ảo; nội dung kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử. Truyền thuyết
không phải là chính sử mà chỉ là dã sử. Nó là văn học chứ không phải lịch sử.
Nó thể hiện cách nhìn, cách đánh giá của nhân dân về lịch sử.
Khác
chính sử, một số sự kiện trong truyền thuyết có thể do người dân bịa đặt, tưởng
tượng ra. Nhưng điều đó chỉ nhằm củng cố thêm niềm tin, sự ngưỡng mộ của nhân
dân đối với những người có công trong lịch sử.
Tuy
nhiên, không phải nhân vật, sự kiện lịch sử nào cũng được đi vào truyền thuyết.
Muốn thành truyền thuyết, những nhân vật, sự kiện này phải gần gũi với nhân
dân; phải được nuôi dưỡng bởi lòng biết ơn, sự tôn thờ và ngưỡng mộ của bao thế
hệ; phải tồn tại qua nhiều chứng tích văn hóa …
Truyền
thuyết được chia thành nhiều nhóm: truyền
thuyết lịch sử, truyền thuyết phổ hệ, truyền thuyết thần tổ ngành nghề, truyền
thuyết địa danh ...
Trong
đó, tiêu biểu nhất cho đặc điểm thể loại là nhóm truyền thuyết lịch sử.
Do
vậy, khi tiến hành đối sánh truyền thuyết với giai thoại, chúng tôi căn cứ vào
đặc điểm của nhóm truyện này.
3.2.
Giai thoại là đối tượng nghiên cứu khá mới mẻ của văn học dân gian và cả văn
học thành văn. Tuy được công nhận là một thể loại nhưng lý thuyết về nó còn ít
được chú ý. Ở Trung Quốc, thuật ngữ giai thoại xuất hiện ngay từ thời Đường –
Tống nhưng chưa thấy ai luận bàn gì về thể loại. Ở Nga, những năm 60 của thế kỷ
XX, lý thuyết giai thoại mới được giới Phônclo học quan tâm. Còn ở Việt Nam , thuật ngữ
này chỉ được chính thức sử dụng từ 1965, qua tập sách Giai thoại văn học Việt Nam
của nhóm soạn giả Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch[5].
Nhìn chung, theo Vũ Ngọc Khánh: “Tuy vẫn luôn luôn được nhắc đến, kể đến,
với nhiều trân trọng, nhưng phải nói rằng giai thoại chưa được nghiên cứu bao
nhiêu, và thật ra thì cũng chưa xác định vị trí cho rõ rệt lắm” (Tiếp cận kho tàng Foklore Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội,
1999, tr.164).
Cho
đến nay, qua một số công trình nghiên cứu về phônclo, bản chất của giai thoại,
nhìn chung, đã được xác định. Theo GS. Kiều Thu Hoạch, “giai thoại vốn là một thuật ngữ gốc Hán, giai có nghĩa là hay, thoại là
câu chuyện kể. Như vậy, giai thoại là câu chuyện kể hay, đẹp, mà lâu nay, giới
nghiên cứu vẫn coi thuật ngữ này là tương đương với thuật ngữ anecdote của
phương Tây” (Thông báo Văn hóa dân
gian 2002, Sđd, tr.644). Vũ Ngọc Khánh cũng xem giai thoại tương đương với
thuật ngữ anecdote đồng thời nhấn
mạnh, đó là những mẩu chuyện ngắn, rất
ngắn, có tính cách hài hước, dí dỏm, gây được những nụ cười “mang ý nghĩa
triết học” (Sđd, tr.164). Chú ý đến không gian sống của nó, Ứng Hòe
Nguyễn Văn Tố cho giai thoại “là việc
tốt, chuyện hay, thường truyền tụng ở dân gian” (Phan Đình Phùng – Việt sử giai thoại, NXB Văn Học, Hà Nội, 2000,
tr.243). Có khác đi, Lại Nguyên Ân cho giai thoại là “một thể loại chuyện kể truyền miệng, lưu hành chủ yếu trong giới nhà
văn và lớp công chúng yêu thích thơ văn, nhất là những người có hiểu biết Hán
học và văn chương chữ Hán” (Từ điển Văn Học, Sđd, tr.519). Nghiêng về thi pháp thể loại, Guxép định nghĩa, “Chúng
tôi gọi là giai thoại, tác phẩm tự sự trào phúng hoặc hài hước, được xây dựng
trên một tình tiết có một sức tăng tiến, tới điểm cao, biểu hiện rõ rệt và hết
sức bất ngờ” (Tiếp cận kho tàng Foklore Việt Nam, Sđd,
tr.168).
Theo trên, giai thoại là những tự sự dân gian, chủ
yếu được truyền miệng. Nó là những câu chuyện lý thú, hay, đẹp, có tính chất
hài hước, dí dỏm, mang nhiều ý nghĩa triết lý.
3.3.
Thoạt xem qua, truyền thuyết và giai thoại chỉ giống nhau ở chỗ: cùng là những tự sự dân gian và chủ yếu được truyền
miệng. Còn lại, một bên gắn liền với những vấn đề, sự kiện lịch sử, thiêng
liêng, hệ trọng; một bên là chuyện đời thường, lý thú và hài hước. Làm sao có
thể nhầm lẫn giữa hai thể loại có nhiều dấu hiệu khác biệt nhau như vậy?
Tuy nhiên vấn đề không đơn giản và không dừng ở đó.
Soi
vào thực tế tác phẩm, nếu chỉ xem giai thoại là anecdote (theo cách hiểu của phương Tây) thì
chuyện về cuộc đời những anh hùng kháng Pháp ở Nam Bộ sao được phép gọi là giai
thoại? Bởi làm sao có yếu tố trào phúng,
hài hước trong những câu chuyện khởi nghĩa, hy sinh đầy bi tráng? Nhưng tại
sao một số công trình sưu tầm, biên soạn văn học dân gian vẫn xem chúng là giai
thoại?
Có
lẽ mấu chốt nằm ở chỗ này: do đặc thù văn hóa, ở phương Đông và Việt Nam , giai thoại
không dễ phân biệt với truyền thuyết. Bởi, giai thoại phương Đông còn được xem “là
cuốn sổ biên niên của cuộc sống, là người bạn thường xuyên của con người và của
các sự kiện lịch sử xã hội” (Tiếp cận kho tàng Foklore Việt Nam , Sđd,
tr.165). Giai thoại phương Đông đâu chỉ mang ý vị hài hước. Nó còn có
những câu chuyện đẹp, được viết, kể thật nghiêm túc, cẩn trọng về các
nhân vật lịch sử. Những công trình biên soạn về Việt sử giai thoại của Đào
Trinh Nhất và Nguyễn Khắc Thuần là minh chứng [6].
Vấn
đề sẽ càng rõ hơn khi giai thoại được phân nhóm như truyền thuyết. Qua khảo sát
kho tàng giai thoại Việt Nam ,
Vũ Ngọc Khánh đề nghị chia giai thoại làm ba nhóm: giai thoại văn học, giai thoại lịch sử, giai thoại Folklore (Tiếp cận kho tàng Foklore Việt Nam , Sđd,
tr.174).
Xin ghi lại phần diễn
giải của Vũ Ngọc Khánh về ba nhóm giai thoại này:
- Giai
thoại văn học: những câu chuyện hoàn toàn là chuyện sáng tạo và chuyện
những người sáng tạo trong địa hạt văn chương học thuật.
- Giai
thoại lịch sử: những câu chuyện khác liên quan với những sự kiện, những
nhân vật hoạt động trong các chính trường, có liên hệ chặt chẽ với tiến trình
tồn vong của đất nước.
- Giai
thoại Folklore: các mẩu chuyện về những tài năng thợ thêu, thợ chạm,
những nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng chèo, hội họa, điêu khắc, diễn xướng,… gây được
những thú vị, bất ngờ; các mẩu chuyện làm nền cho những thành ngữ, phương ngôn,
vẫn thường được nhân dân truyền tụng để biểu lộ niềm tin, tự hào về con người,
quê hương, dòng họ,…
Theo
đó, điểm chính tạo nên tình trạng nhập nhằng giữa truyền thuyết và giai thoại
là do nhóm giai thoại lịch sử.
3.4.
Vậy có tiêu chí nào dùng phân biệt truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử
không? Có thể rút ra dấu hiệu quan trọng nhất nhằm nhận dạng từng thể loại
không?... Để tìm câu trả lời, chúng tôi tìm hiểu thêm về thi pháp thể loại và
kiểm chứng trên văn bản tác phẩm. Tác phẩm dùng kiểm chứng, đối sánh là truyền
thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ[7] và
những giai thoại lịch sử thế kỷ XIX [8].
Sở dĩ chúng tôi chỉ khảo sát trong vùng hẹp này là vì chúng tôi có thuận lợi về
tư liệu. Mặt khác, ở thế kỷ này, trữ lượng truyền thuyết lịch sử và giai thoại
lịch sử khá lớn, đồng thời có nhiều văn bản còn nhập nhằng giữa hai thể loại.
3.4.1.
Trong quá trình đối sánh, chúng tôi nhận ra truyền thuyết lịch sử và giai thoại
lịch sử có không ít chỗ trùng hợp. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân tạo ra
tình trạng nhập nhằng, dẫn đến gây nhầm lẫn giữa hai thể loại này.
Xin
nêu những điểm trùng hợp giữa truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử:
-
Cùng dạng thức (tự sự dân gian)
-
Cùng cách lưu truyền (được truyền miệng và được ghi lại thành văn bản)
-
Cùng nội dung (đề cập đến các sự kiện, nhân vật lịch sử, có liên hệ chặt chẽ
đến tiến trình tồn vong của đất nước);
-
Cùng phương pháp phản ánh (nhân vật gần với đời thực, ít yếu tố siêu nhiên,
thần kỳ; đôi khi còn ít nhiều yếu tố hư cấu, tưởng tượng)
-
v.v.
3.4.2.
Tuy nhiên, ngoài sự trùng hợp trên, truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử
có rất nhiều điểm khác nhau:
-
Về qui mô tác phẩm, giai thoại thường phải hết sức ngắn gọn. Một giai
thoại hấp dẫn cần phải có lời kể, lời thoại thật ngắn gọn. Đây là yếu tố làm
tăng kịch tính và độ căng cho câu chuyện. Tuy nhiên, truyền thuyết không có nhu
cầu được kể ngắn gọn.
-
Về hình thức thể hiện, giai thoại bắt buộc phải có lời thoại, tức có đối
đáp giữa các nhân vật. Không có lời thoại, câu chuyện dù thú vị đến đâu cũng
không thể thành giai thoại. Trong khi đó, không ít truyền thuyết rất hấp dẫn mà
chẳng cần có lời thoại nào.
-
Về ngôn ngữ kể, giai thoại thường đề cao tính trí tuệ của lời thoại. Một
giai thoại được xem là hay cần phải có lời thoại hay, giàu chất trí tuệ (riêng
ở giai thoại văn học, thủ pháp chơi chữ còn được xem là dấu hiệu đặc trưng của
tiểu loại). Khác giai thoại, truyền thuyết lại đề cao tính biểu cảm của lời kể.
Một truyền thuyết hay cần phải có cốt chuyện hay, lời kể gây được nhiều xúc
động.
-
Về giọng kể, giai thoại thường pha giọng dí dỏm, hài hước, phê phán.
Truyền thuyết luôn mang giọng điệu trang trọng, thành kính, phù hợp với thái độ
đánh giá lịch sử. Những từ ngữ sau đây thường hiện diện trong truyền thuyết
nhưng không bao giờ thấy trong giai thoại: “để
ghi nhớ tấm lòng nhân hậu…; để
ghi nhớ câu chuyện thương tâm…; nhân
dân trong vùng rất thương nhớ…;… nhưng tên tuổi ông được lưu danh muôn đời
trong lịch sử, trên bia miệng… ”.
-
Về sự kiện, tình tiết trong tác phẩm, giai thoại gắn với không gian,
thời gian sinh hoạt đời thường, hàng ngày. Còn truyền thuyết luôn gắn với không
gian thiêng, thời gian thiêng, liên quan đến vận mệnh nhân vật và dân tộc.
Trong truyền thuyết, cho dù một vàm sông, con rạch bình thường cũng gắn liền
với công đức, sự hy sinh dũng liệt của những người yêu nước (vàm Hổ Cứ, vàm Bà
Bầy, rạch Nàng Hai, Vũng Linh,…). Trong truyền thuyết, các tình tiết, sự kiện,
cho dù gần với sinh hoạt đời thường cũng gắn liền với một thời khắc lịch sử nào
đó, có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời nhân vật lịch sử.
-
Về những sự kiện lịch sử, giai thoại sử dụng nó không nhằm mục đích phản
ánh, đánh giá lịch sử. Nó không được kể như “cái đương là” mà phần lớn chỉ được nhắc nhở qua những lời đàm tiếu,
sự luận bàn công - tội của vua chúa hay của giới quan lại, đại thần. Sự hiện
diện của chúng chỉ nhằm phác họa rõ hơn bản chất và cách đối nhân xử thế của
các nhân vật lịch sử (Vũ Ngọc Khánh xem giai thoại “là người bạn thường
xuyên của con người và của các sự kiện lịch sử xã hội” phải chăng cũng vì lý do này?). Riêng với
truyền thuyết, sự kiện lịch sử được xem là phần trung tâm, là cái lõi của tác
phẩm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét, truyền thuyết “thường có cái lõi là sự thật lịch sử” (Tạp chí Văn Học, số 4, tr.125). Nguyễn
Xuân Lạc còn nhấn mạnh “chính cái nội
dung lịch sử lại là đặc điểm nổi bật của thể loại văn học dân gian này” (Văn
học dân gian Việt Nam trong nhà trường, NXB Giáo Dục, 1998, tr.66). Còn Hồ
Quốc Hùng xem truyền thuyết là “ký ức cộng đồng về quá khứ” (Truyền
thuyết Việt Nam
và vấn đề thể loại, NXB Trẻ – Hội Nghiên cứu & Giảng dạy Văn học
TP.HCM, 2003, tr.10). Chúng tôi nghĩ, đây cũng là một cách nói, khẳng định vị
trí, vai trò của sự kiện lịch sử trong truyền thuyết.
-
Về nhân vật, giai thoại chỉ tập trung kể chuyện sinh hoạt đời thường,
chuyện “thâm cung bí sử” của những nhân vật vốn nổi tiếng. Một giai thoại, dù
đã có tình huống lý thú, lời thoại lý thú nhưng nếu được gán vào một nhân vật
nổi tiếng thì tính lý thú của nó càng tăng thêm bội phần. Không ít giai thoại
văn học đã được lịch sử hóa, có lẽ cũng từ quan niệm này. Còn đó, giai thoại về
các hoàng tử con vua Gia Long: Nguyễn Phúc Phổ ngổ ngáo, Nguyễn Phúc Đài tham
lam, Nguyễn Phúc Quân xấc xược … Rồi chuyện các đại thần: tướng Lê Văn Quân
chết rồi vẫn bị đánh 100 gậy, Tả quân Lê Văn Duyệt bị san mộ, Tham tri Nguyễn
Tri Phương bị vua nghiêm phê, Tiến sĩ Phan Thanh Giản bảy lần bị trách phạt…
Riêng
truyền thuyết, ngoài những anh hùng dân tộc như Trương Định, Thiên Hộ Dương,
Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân … tác phẩm có thể chỉ kể về những người xuất
thân bình thường hoặc vô danh. Đơn cử, đó là chuyện mười tám nghĩa binh phò
Trương Định, chuyện ông lực điền Phòng Biểu - tướng tài của Thiên Hộ Dương,
chuyện Bà Điều, Bà Đỏ – nghĩa quân thân tín của Nguyễn Trung Trực, chuyện tướng
cướp hoàn lương Sáu Hải - người đánh mõ trung thành của Thủ Khoa Huân …
-
Về cách miêu tả, giai thoại thường đưa cuộc đời nhân vật đi từ chỗ bí ẩn
trở về gần gũi với mọi người. Nó có xu hướng kéo nhân vật xuống đời thường. Có thể kể, đó là chuyện hỉ nộ hàng ngày
của vua Gia Long, chuyện ăn uống của bà Từ Dụ (đời sau quen gọi là Từ Dũ – thân
mẫu vua Tự Đức) … Ngược lại, truyền thuyết đưa nhân vật đi từ chỗ bình
thường hóa thành thiêng liêng, bất tử. Nó
theo xu hướng nâng nhân vật lên ngưỡng
đề cao, tôn thờ. Ví dụ, chuyện ông Dương Văn Hạnh, phó xã trưởng đất
Lý Nhơn, vì giấu tung tích Trương Định mà bị chặt đầu nên nhân dân tôn thành
Ông thần không đầu; chuyện Bà Bầy, vì ủng hộ nghĩa quân Thiên Hộ Dương mà bị
giặc bắt tra tấn, hãm hiếp đến chết nên được nhân dân thương tiếc, lấy tên bà
đặt cho một vàm sông - vàm Bà Bầy …
-
Về chức năng tác phẩm, giai thoại nhằm tạo cảm giác lý thú, từ đó có thể
rút ra bài học triết lý nhân sinh. Còn truyền thuyết lại nhằm đánh giá lịch sử,
đồng thời bày tỏ lòng biết ơn, tôn thờ, ngưỡng mộ của nhân dân với người có
công đức. Sự khác biệt này từng được GS. Lã Duy Lan lưu ý: “Giai thoại không
thể hiện sự ngưỡng mộ như truyền thuyết
mà chỉ thể hiện một vài khía cạnh riêng tư, đặc biệt của nhân vật đó mà
thôi” (Truyền thuyết Việt Nam , Sđd,
tr.7).
-
Về thái độ tiếp nhận, khi nghe một giai thoại, mọi người có thể tin hoặc
không tin. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố từng chú giải: “giai thoại là chuyện vặt, chuyện dật sử, có cái không đáng tin” (Phan Đình Phùng – Việt sử giai thoại,
Sđd, tr.243). Thế nhưng, khi nghe một truyền thuyết, ai nấy đều luôn có niềm
tin. Nói theo Trần Thị An, “hạt nhân quan
trọng nhất trong thể loại truyền thuyết đó là niềm tin vào sự hiện diện
của cái kỳ ảo trong đời sống …” (Thông
báo Văn hóa dân gian 2002, Sđd, tr.602). Niềm tin trong truyền thuyết
thường khiến mọi người có nhu cầu gắn nó với một chứng tích văn hóa nào đó. Để
củng cố niềm tin, mọi người có nhu cầu gắn truyền thuyết với một chứng tích văn
hóa nào đó (lăng mộ, địa danh, lễ hội…). Ở sự tiếp nhận giai thoại, nhu cầu này
không có.
Từ
sự phân tích trên, chúng tôi xin tổng hợp thành bảng so sánh giữa giai thoại
lịch sử và truyền thuyết lịch sử (Xem Bảng 1).
Bảng 1: SO SÁNH GIAI THOẠI
LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THUYẾT LỊCH SỬ
TIÊU CHÍ
SO SÁNH
|
GIAI
THOẠI
LỊCH SỬ
|
TRUYỀN
THUYẾT
LỊCH SỬ
|
|
ĐIỂM
GIỐNG
NHAU
|
Dạng thức
|
Tự sự dân gian
|
|
Cách lưu truyền
|
Chủ yếu truyền miệng và ghi chép thành văn bản
|
||
Nội dung
|
Liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử, có liên
hệ chặt chẽ đến tiến trình tồn vong của đất nước.
|
||
Phương pháp phản ánh
|
Nhân vật gần với đời thực, ít yếu tố siêu nhiên,
thần kỳ; có thể còn yếu tố hư cấu, tưởng tượng
|
||
ĐIỂM KHÁC
NHAU
|
Qui mô
tác phẩm
|
Luôn
ngắn, rất ngắn
|
Có ngắn
lẫn dài
|
Hình thức thể hiện
|
Luôn có đối thoại giữa các nhân vật
|
Ít hoặc không có đối thoại giữa các nhân vật
|
|
Ngôn ngữ kể
|
Giàu tính trí tuệ
|
Giàu tính biểu cảm
|
|
Giọng kể
|
Đôi khi dí dỏm, hài hước, phê phán
|
Luôn trang trọng, thành kính
|
|
Đặc điểm của sự kiện, tình tiết
|
Luôn gắn với không gian, thời gian sinh hoạt đời
thường, hàng ngày
|
Luôn gắn với không gian thiêng, thời gian thiêng,
liên quan đến vận mệnh nhân vật và dân tộc
|
|
Vị trí, vai trò của sự kiện lịch sử
|
- Không phải nội dung chính của tác phẩm
- Phác họa chân dung, cách đối nhân xử thế của nhân
vật lịch sử
|
- Là nội dung chính của tác phẩm
- Nhằm phản ánh, đánh giá lịch sử
|
|
Đặc điểm nhân vật
|
Phải là người nổi tiếng
|
Có thể chỉ là người xuất thân bình thường hoặc vô
danh
|
|
Cách miêu tả nhân vật
|
Cuộc đời đi từ chỗ bí ẩn trở về gần gũi với mọi
người à xu hướng kéo nhân vật
xuống đời thường
|
Cuộc đời từ chỗ bình thường hóa thành bất tử, thiêng
liêng à xu hướng nâng nhân vật
lên ngưỡng tôn thờ
|
|
Chức năng tác phẩm
|
- Tạo cảm giác lý thú
- Rút ra bài học triết lý nhân sinh
|
- Đánh giá lịch sử
- Biết ơn, tôn thờ, ngưỡng mộ người có công đức
|
|
Thái độ
người tiếp nhận
|
Có thể
tin hoặc không tin
|
- Luôn có niềm tin
- Có nhu cầu gắn tác phẩm với một chứng tích văn hóa
nào đó
|
3.5. Vận
dụng các tiêu chí trên, chúng tôi thử khảo sát một trường hợp khó xác định là
truyền thuyết lịch sử hay giai thoại lịch sử: Trương
Định gặp gỡ cụ Đồ Chiểu.
Xin khảo sát văn bản
Trương Định gặp gỡ cụ Đồ Chiểu.
Mùa
hè năm 1862, Trương Định có cuộc gặp gỡ với cụ Đồ Chiểu.
Trương
Định hỏi, giọng còn đượm vẻ ấm ức:
-
Thánh chỉ đòi tôi giải binh về đầu Pháp. Ông xử sự thế nào?
Đồ
Chiểu hừ một tiếng và không trả lời hẳn vào câu hỏi của Trương Định. Ông chỉ ra
hàng dừa trước ngõ và hỏi lại:
-
Cái cây tươi tốt cần ở gốc hay ngọn hở ông?
Trương
Định đã nhấc chén trà lên rồi lại đặt xuống:
- Lẽ
đời, xưa nay, cây cỏ tốt tươi là nhờ gốc. Gốc bền thì cây vững.
-
Phải lắm – Đồ Chiểu tiếp lời – Nhưng biết được cái gốc ở đâu mà theo mới là cặp
mắt tinh tường…
Trương
Định hiểu ngay, nói:
- Ở
đây, cái gốc ở ngay đây! Trong thôn xóm thường dân này. Một ngày lòng dân còn
thì một ngày quốc thổ còn, vậy đó!
Nói
rồi, Trương Định cười vang. Còn Đồ Chiểu thì hào hứng đọc cho nghe bài thơ mới.
(Dẫn
theo Nguyễn Phan Quang, Khởi nghĩa Trương Định,
NXB
Trẻ, TP.HCM, 2001)
Văn bản này ở dạng mẩu
chuyện (tự sự). Nó nằm lẫn trong các tư liệu sưu khảo lịch sử. Cách trình bày
chứng tỏ có sự gia công của một cá nhân trí thức nào đó. Tuy nhiên, nó đã sống
trong môi trường dân gian[9]
một thời gian dài nên đích thực là một tự sự dân gian.
Mẩu chuyện này, xem ra,
mang nhiều dấu hiệu của một giai thoại lịch sử: có sự kiện và nhân vật lịch
sử; toàn hình thức đối thoại; mang không khí sinh hoạt hàng ngày (nhân
vật uống trà, ngâm thơ, cười, hào hứng), có bài học triết lý nhân sinh,…
Nhưng chúng tôi cho rằng, đây chính là trường hợp giai thoại chuyển hóa thành
truyền thuyết. Bởi lẽ, đọc và suy ngẫm, giai phẩm này đâu kể chuyện đời
thường, đâu chỉ tạo cảm giác lý thú cho người nghe (người đọc), đâu phải
người đọc muốn tin hay không cũng được? Câu chuyện đã là cách nhìn, cách đánh
giá của nhân dân về một sự kiện lịch sử trọng đại: mùa hè, năm 1862. Khi đó,
Trương Định đứng trước sự lựa chọn hệ trọng: vâng mệnh triều đình hay ở lại
cùng nhân dân đánh giặc. Còn nhân dân, sau thời điểm này, hoặc mất một võ quan
tài năng, hoặc có được một anh hùng dân tộc. Lại thêm, trong sử sách, mối quan
hệ giữa danh sĩ Nguyễn Đình Chiểu và anh hùng Trương Định chưa được khai thác
rõ. Chính sử càng không nhắc đến quan hệ này. Thế nhưng, nhân dân, qua mẩu
chuyện trên, đã thật sự tin tưởng, khẳng định, thậm chí hình dung sống động mối
quan hệ này. Không chỉ thế, nhân dân còn tin rằng, ngay thời điểm lựa chọn hệ
trọng của đời mình, Trương Định đã có nhà nho yêu nước cận kề, cố vấn. Ẩn trong
mẩu chuyện là giọng điệu của nhân dân: ngợi ca, biết ơn người anh hùng đã dứt
khoát đứng về phía nhân dân chống giặc.
Xét mẩu
chuyện theo hướng này, chúng tôi thiết nghĩ, nên gọi nó là truyền thuyết và đưa
vào hệ thống truyền thuyết lịch sử buổi đầu chống Pháp.
4.
Trên đây là những bước đi đầu tiên của chúng tôi trong việc phân biệt giai
thoại lịch sử và truyền thuyết lịch sử. Có thể thao tác đối sánh còn ít nhiều
khập khiễng. Có thể phần nhận xét chưa hàm súc. Có thể vài tiêu chí nào đó chưa
được đề cập đến … Tất cả chỉ vì khả năng và tầm nhìn có hạn của người viết. Tuy
nhiên, từ quá trình miêu tả, đối sánh này, chúng tôi rút được vài nhận xét bổ
ích:
-
Những tiêu chí dùng đối sánh cũng là dấu hiệu cụ thể, giúp xác định bản chất
từng thể loại. Hẳn nhiên, không phải bất kỳ giai thoại lịch sử, truyền thuyết
lịch sử nào cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này .
-
Những tiêu chí dùng đối sánh chính là những định hướng cụ thể, giúp nhận diện
một tự sự dân gian là giai thoại lịch sử hay truyền thuyết lịch sử. Nó giúp
người sưu tầm, biên soạn văn học dân gian có thể hạn chế tối đa sự nhầm lẫn khi
phân loại, khảo sát tác phẩm.
-
Trong quá trình phân loại, có thể còn một vài văn bản khó xác định là giai
thoại lịch sử hay truyền thuyết lịch sử. Nên chăng xem đó là trường hợp chuyển
hóa thể loại – biểu hiện cho sự vận động và biến đổi của tác phẩm phônclo. Ở
những trường hợp này, theo chúng tôi, tiêu chí phân biệt có tính quyết định
chính là cách thức miêu tả nhân vật, sự
kiện và thái độ tiếp nhận tác phẩm.
Nếu giai thoại lịch sử tìm cách vén bức màn bí ẩn, kéo những nhân vật vốn nổi
tiếng, quyền uy xuống gần với đời thường thì truyền thuyết lại tìm cách phủ
thêm màn sương huyền ảo, nâng những con người bình thường lên ngưỡng thiêng
liêng, bất tử. Mọi yếu tố trong truyền thuyết đều gắn liền hoặc hướng về cái
thiêng, sự tôn thờ, ngưỡng mộ. Nếu giai thoại lịch sử chỉ được người nghe
(người đọc) đón nhận bằng cảm giác lý thú, có quyền tin hoặc không tin, thì
trái lại, truyền thuyết luôn được đón nhận bằng một niềm tin.
Trong
văn học dân gian, sự vận động của tác phẩm được xem là không ngừng nghỉ. Do
vậy, sự phân biệt này cũng chỉ là công việc bước đầu và phải tiếp tục. Hy vọng
sau này, khi đọc được nhiều hơn, phạm vi khảo sát rộng hơn, chúng tôi sẽ có sự
kiến giải thấu đáo hơn, thuyết phục hơn về hai thể loại hấp dẫn này.
Mỹ
Tho, tháng 9 năm 2005
VPC
(Đã in trong Bình luận Văn học
– Niên giám 2005,
NXB Văn Hóa Sài Gòn & Hội nghiên cứu – Giảng dạy Văn
học TP.HCM, tr.95).
¯
[1] Đỗ Đức Hiểu chủ biên (2004), Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 519 và
tr.1835.
[2] Xin nêu vài dẫn
chứng (chúng tôi gạch dưới):
- Một cách tổng
quát, có thể nói rằng thần thoại và cổ tích thực sự chiếm một tỉ lệ quá ít ỏi
trong kho tàng chuyện dân gian Nam Bộ. Trái lại, thể loại truyền thuyết
(ở đây chúng tôi gọi là sự tích) và giai thoại chiếm đại đa số
[Huỳnh Ngọc Trảng (1992), Nghìn năm bia miệng, tập I, NXB TP.HCM,
tr.12].
-
Một nhân vật được coi là nhân vật lịch sử khi nhân vật đó có những ảnh hưởng
hay đóng góp cho quá trình phát triển của cộng đồng. Với những nhân vật này,
thường là có truyền thuyết và cũng có cả giai thoại [Lã Duy Lan
(1997), Truyền thuyết Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.7].
[3] Nguyễn Xuân Đức đã trình bày vấn
đề này [Xem Thông báo Văn hóa dân gian
2002, bài Vấn đề phân loại truyện dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.356].
[4] Trong Từ điển Văn Học (Sđd, tr.519), Lại Nguyên Ân cho giai thoại “thuộc về văn chương bác học, gắn với sinh
hoạt văn học thành văn, nhưng lại tồn tại dưới dạng truyền miệng, tức là dạng
thức tồn tại của các chuyện kể dân gian”. Còn trong Thông báo Văn
hóa dân gian 2002 (Sđd, tr.652), Kiều Thu Hoạch lại xác định “giai thoại là sáng tác folkore, là văn học
dân gian, mà tác giả nước ngoài còn gọi rõ là giai thoại dân gian”.
[5] Theo Thông báo Văn hóa dân gian 2002 (Sđd, tr. 645), bản thảo này hoàn thành từ 1963, Kiều Thu Hoạch biên soạn, Hoàng
Ngọc Phách đọc duyệt, Trần Thanh Mại viết lời giới thiệu.
[6] Việt Sử giai thoại của
Đào Trịnh Nhất (Cộng Lực xuất bản, năm 1940). Sau này là bộ Việt Sử giai
thoại của Nguyễn Khắc Thuần (NXB
Giáo dục, năm 2001).
[7] Võ Phúc Châu (2004), Truyền thuyết dân gian về cuộc kháng chiến
chống Pháp ở Nam
Bộ (1858 – 1918), Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐHSP TP.HCM.
[8] Nguyễn Khắc Thuần (2001), Việt
Sử giai thoại - tập 8, NXB Giáo
dục, Hà Nội.
[9] Chúng tôi hiểu khái niệm “dân
gian” theo Trần Thị An và theo phát biểu của một nhà Phônclo học người Pháp “Là
dân gian, cái gì không phải là chính thống” (Thông báo văn hóa dân gian, Sđd, tr.16 và tr.649).
Tags: Văn, Văn Học
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments: