TÌM HIỂU BÀI THƠ “MỜI TRẦU” CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG
TÌM HIỂU BÀI THƠ
“MỜI TRẦU” CỦA HỒ
XUÂN HƯƠNG
***
T
|
hông thường, những tác
phẩm có tư tưởng lớn đều có hình thức mang tầm vóc lớn, đề tài cũng lớn. Những
tác phẩm lấy đề tài nhỏ bé, hình thức xinh xắn chỉ đủ sức chứa đựng một tư tưởng
quẩn quanh với cuộc sống sinh hoạt đời thường. Tuy nhiên, văn học cũng không
hiếm những nghịch lý, làm nên sự kỳ diệu của nó. Đó là trường hợp những bài thơ
đề tài nhỏ bé, hình thức xinh xắn nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn, phá vỡ
cái chật hẹp, ràng rịt của tư tưởng cũ kỹ, hà khắc; nâng niu một khát vọng mãnh
liệt, chân thành. Bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương là một điển
hình như vậy:
“
Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi”
B
|
ài
thơ ra đời vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Cảm thức
thẩm mỹ bấy giờ thường trọng vọng những bài Đường luật đạo mạo, cổ kính, với
thứ chữ Hán được điểm tô lộng lẫy bằng vô số điển tích ngoại lai. Vậy mà Mời
trầu, vẫn khuôn khổ một thất ngôn tứ tuyệt, nhưng vóc dáng đường hoàng
là chữ Nôm, hồn dân tộc. Thứ chữ “nôm na
mách qué” đó đã tạo một tầm vóc trẻ,
sừng sững trên văn đàn, mang theo sinh khí của văn hóa dân gian Việt nam: ca
dao, tục ngữ, thành ngữ,...
Thời
đại này, các nho sĩ hầu hết là nam giới. Tài tử, văn nhân hầu hết là đấng “tu mi” ngâm hoa vịnh nguyệt, cố teo tóp
cái bản ngã, để hòa tan, trộn lẫn vào “cái
ta” nhợt nhạt, vô hồn. Vậy mà, trong lúc đó, tác giả của Mời
trầu lại là nữ giới – một phụ nữ dám tung hê, bóc trần cái “hoa nguyệt” giả dối, phù phiếm. Nữ sĩ
còn dám đường hoàng xưng “tôi”, “cái tôi” làm kinh ngạc, ngã ngửa bao đấng
tu mi, những bậc “hiền nhân quân tử ”.
Bài
thơ thật xinh xắn, chỉ hai mươi tám chữ. Đề tài lại nhỏ bé, chuyện mời trầu. Tưởng
gì, “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Từ thuở xa xưa, người Việt đã có tục ăn trầu. Người Việt vốn hiếu khách, lại
hay giao tiếp, chuyện mời trầu nhau có gì đáng nói? Nhưng ngờ đâu, một tứ thơ
lớn đã ẩn sau đề tài nhỏ bé ấy. Miếng trầu là vật để giao tiếp, đãi bôi . Nhưng
miếng trầu còn là sự thắm đỏ của nghĩa tình, là sứ giả của tình yêu, là chứng
nhân của tình chồng vợ:
“
Trầu này trầu nghĩa, trầu tình
Cho loan lấy phượng, cho mình lấy ta”
Hay
là:
“
Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”
Vậy,
mời trầu ở đây đâu chỉ là hình thức giao tiếp. Mời trầu kỳ thực là mời tình.
Nói đến tình là nói đến cõi tế vi, kỳ diệu của tâm hồn, của trái tim rồi! Mà
chuyện tình, trong xã hội phong kiến, đâu phải là đề tài nhàn đàm lúc trà dư
tửu hậu. Ở một góc nào đó, nó còn là điều cấm kỵ đối với các bậc mũ cao, áo
dài. Đàn bà lại càng không được nói đến. Quyền mời trầu chỉ có ở đàn ông:
“
Ra đường bác mẹ dặn rằng
Làm thân con gái chớ ăn trầu người”
Thế
mà, kinh khủng chưa, trong bài thơ này, người mời trầu lại là nữ giới, chẳng
thèm che mạng cúi đầu. Cái lớn của bài thơ đã nằm ngay ở tư thế của chủ thể trữ
tình rồi! Tinh thần phá vỡ định kiến “thâm
căn cố đế ” đã nằm ngay ở cách đặt tựa đề và đề tài rồi!
Tuy
nhiên, tiếng nói có sức mạnh phá vỡ ấy lại không hề “đao to búa lớn ”. Nó nhỏ nhẹ, ân cần, nồng nhiệt mà da diết, lắng
sâu. Nó là một âm sắc trầm ấm của tiếng thơ táo bạo Hồ Xuân Hương.
Chúng
ta thử xem nhà thơ mời trầu như thế nào:
“Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi ”
Chẳng
cần một buồng cau trả ơn, chẳng màng trầu têm cánh phượng dâng mời hoàng tử, người
phụ nữ chỉ có “quả cau nho nhỏ ”. Hẳn
là ở đây, Xuân Hương đã hái một quả từ buồng cau dân gian rồi: “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân”,... Từ
láy “nho nhỏ “ còn gợi một ảnh hình
xinh xắn, dễ thương. Quả cau nhỏ, chắc hẳn bổ ra thành những miếng cau thanh. Đâu
cần nhiều, bởi Xuân Hương đâu phải mời bọn phàm phu, tục tử. Lại kèm với quả
cau là “miếng trầu hôi ”. Đâu rồi
trầu quế, trầu thơm? Cớ sao lại chọn miếng trầu tầm thường, chẳng thơm, chẳng
ngon mấy để mời? Có lẽ cũng chẳng phải là chọn, vì người phụ nữ có chi mời nấy,
cốt yếu là mời bằng tấm lòng thành thực, với những cái vốn có của mình. Vả lại,
người sâu sắc đâu dại gì đem cái sang trọng, đắt tiền để mời tình. Kẻ vụ lợi sẽ
bị cái hào nhoáng, sang cả làm mờ mắt đi, cứ thế mà nhảy bổ vào cuộc tình. Tác
giả của miếng trầu hôi, cũng như chủ thể trữ tình trong bài thơ, là phụ nữ từng
trải, sâu sắc, nên thành ý ấy, dụng ý
ấy, không chắc là không có.
Miếng trầu mời
thật dân dã, tự nhiên, gợi cảm, chân thành, nhưng cách mời mới thật nồng nhiệt
làm sao:
“Này của Xuân Hương mới quệt rồi ”
Xã
hội phong kiến đâu chấp nhận “cái tôi ”
với lời xưng trực tiếp như vậy. Thế mà, người phụ nữ ở đây lại dám tin vào
chính mình, tự thừa nhận tấm tình của riêng cá nhân mình. Đã vậy, trầu vừa quệt
là mời ngay. Hành động “mới quệt ”
hết sức khiêm tốn và chân thành. Miếng trầu có thể không khéo léo cách têm nhưng
là cả sự nồng hậu, chào mời. Người phụ nữ mang tên hương – mùa – xuân quả thật hết sức khát khao nghĩa tình giữa con
người với nhau trong cuộc sống. Tấm lòng ấy đã chủ động trao tặng cho người sự
chân thành, thắm thiết.
Nếu
như hai câu trên, giọng thơ thật chân thành, nồng nhiệt, vồn vã, đầy khát khao
thì ở hai câu sau, giọng thơ lại chuyển sang trầm lắng, đầy trăn trở, ưu tư:
“Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi ”
Hai
câu thơ đầy màu sắc, đó là “xanh” của
lá, “bạc” của vôi, pha trộn lại thì
bạc và xanh đã hóa thành “thắm” rồi.
“Thắm” là màu đỏ tươi của miếng trầu,
mà cũng là thắm thiết, thắm tình – sắc màu của sự gắn bó, hòa hợp, chung tình.
Nhà thơ đã khai thác tài tình ý nghĩa tượng trưng của màu sắc. Cái lá trầu và
ít vôi, ăn chung với nhau thì rasắc thắm, “thắm
lại ”. Nhưng tách riêng thì chỉ còn rời rã một màu xanh non nớt, lạnh lùng,
chỉ còn màu bạc của sự bạc bẽo, bội bạc, hai lòng. Buồn thay cho sự chia lìa,
bội bạc! Niềm khao khát ở đây sao mà ưu tư và buồn thấm thía. Đã vậy, những từ
ngữ “có phải... thì... đừng ... như...”
chẳng khác con dao bổ cau, cứa vào lòng, cứa vào trái tim vốn quen đập với nhịp
chân thật, chung tình. Nghệ thuật so sánh cuối bài thơ được hái từ giàn trầu
thành ngữ Việt Nam: “xanh như lá, bạc như vôi ”. Ý thơ gợi ra một khát
vọng đầy ưu tư, khắc khoải của một tâm hồn đã ít nhiều nếm trải dư vị chua
chát, đắng cay của sự lạnh lùng, giả dối. Ngẫm lại cuộc đời, tâm sự của Hồ Xuân
Hương, sao thấy bài thơ như là thân phận, số phận - đầy éo le, dở dang, trăn
trở. Biết bao giờ, biết ai người sẽ “phải
duyên nhau ”.
C
|
ả
bài thơ chính là một thông điệp gói trọn tâm tình, khát khao nồng thắm của một
phụ nữ đa tài, tấm lòng rộng mở và muốn được vẹn tình. Tâm tình ấy, khát vọng
ấy đã vang lên, trong trẻo và mạnh mẽ, mạnh dạn phá bỏ những định kiến tàn
nhẫn, u ám của thời đại. Đó là tín hiệu đẹp cho sự đâm chồi, nảy tược của một ý
thức cá nhân, của tinh thần đấu tranh đòi hạnh phúc cho người phụ nữ. Chắc
rằng, tiếng vọng mời trầu của Hồ Xuân Hương đã băng qua thời gian, lay chuyển
biết bao tâm hồn xanh xao, bạc bẽo tìm đến với nhau trong một tình yêu chân
thật, hòa hợp, chung tình.
Thành phố Hồ Chí Minh,
tháng 03 năm 2001.
Võ Phúc Châu
Tags: Văn, Văn Học
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments: