Văn phong tranh luận Văn phong tranh luận



 

TIỂU LUẬN

 

Văn phong tranh luận

của Thiếu Sơn trên báo chí[1].

 

 

Thiếu Sơn (1908-1978) 

 

Xuất hiện bất ngờ trên diễn đàn văn chương học thuật, mang theo thể văn phê bình  mới lạ, Thiếu Sơn khiến người đọc phải ngỡ ngàng và đón chào ưu ái. Với ngòi bút phê bình nhạy bén, ông có công khuấy động thêm không khí sáng tác và thưởng thức văn chương những năm 1932 – 1945 của nước nhà. Cùng với Hoài Thanh, Trương Chính, Đinh Gia Trinh, ông được xem là nhà phê bình trực cảm.

Đánh giá toàn diện về Thiếu Sơn, nhà nghiên cứu Vũ Thanh đã có phần giới thiệu khái quát, hàm súc trong Từ điển văn học[2]; tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân lại dành riêng một bài nghiên cứu sắc sảo, tài hoa: Thiếu Sơn và hoạt động phê bình văn học trước 1945. Riêng tập Phê bình và cảo luận của ông, từ lúc trình làng, đã gây sửng sốt và chấn động bao nhà nghiên cứu. Học giả Phan Khôi sung sướng, ngợi ca đó là những "hột gạo no nê nguyên vẹn". Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan khe khắt, gọi Thiếu Sơn là "một nhà phê bình mềm mỏng và thủ cựu". Giáo sư Nguyễn Văn Trung khó chịu, quy tác giả vào "nhóm phê bình ấn tượng chủ quan, giáo điều". Còn giáo sư Thanh Lãng lại nồng nhiệt, tuyên dương tác phẩm: "Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn đã khai mở hẳn một kỷ nguyên mới và từ Phạm Quỳnh đến Phan Khôi, qua Lê Thước, thể văn phê bình dưới ngòi bút Thiếu Sơn đã tiến một bước dài"...

Tôi chưa đủ hiểu biết và tầm nhìn, để có thể viết khác hơn, mới hơn mọi người, về tác gia, tác phẩm này. Bởi vậy, tôi chỉ xin tìm hiểu một mảng nhỏ trong sự nghiệp của nhà phê bình: một số bài tranh luận đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy[3], thời điểm 1935. Phạm vi khảo sát gồm 07 bài:

-        Câu chuyện văn chương tả chân chủ nghĩa.

-        Hai cái quan niệm về văn học.

-        Nghệ thuật với đời người.

-        Văn học bình dân.

-        Báo Sống phê bình "Kép Tư Bền."

-        Bạn đọc văn.

-        Nhà viết tiểu thuyết.

Nội dung tranh luận của các bài báo đã được viết nhiều. Vai trò, ý nghĩa của nó thế nào, đối với đời sống văn chương học thuật, đã rõ. Bởi thế, bài viết này không chủ ý quay lại phân tích nội dung của nó. Tôi chỉ muốn thử tìm đặc điểm văn phong của tác giả. Khi đọc, tôi phát hiện sức hấp dẫn trong lối văn tranh luận của Thiếu Sơn: ông thường nêu vấn đề và lập luận ra sao? khi biện giải, ông thích dùng từ ngữ, kiểu câu gì? Qua đối sánh văn phong một số cây bút thời ấy(3), tôi nhận ra dáng nét riêng của ông, trong cách nêu vấn đề tranh luận và lối viết.

 

***

 

Những bài tranh luận của Thiếu Sơn thường có lối đặt tựa đề ngắn gọn, hàm súc.

Biết rằng, người cầm bút bao giờ cũng có chủ định riêng, khi đặt tên đứa con tinh thần của mình. Nhưng không phải tựa đề nào cũng giúp người đọc hiểu ngay nội dung bài viết. Tản Đà thích tạo ra bầu không khí tri âm: "Cùng các bạn làng thơ", "Câu chuyện nói về thơ", "Một chữ trong nghề thơ",... Nguyễn Công Hoan thường khởi hành từ tình huống tranh luận: "Tôi trả lời các bạn làng văn", "Từ Đoạn tuyệt đến Cô giáo Minh cùng ông Khái Hưng", "Việc Phong Hóa",... Hoài Thanh ưa chuộng lối kích thích, gợi mở người đọc: "Một quyển sách đang mong mỏi", "Xem truyện thần tiên thì có sao?", "Cần phải có một thứ văn chương mạnh mẽ hơn",...

Riêng với Thiếu Sơn, tựa đề bài báo thường ngắn gọn, nêu bật ngay đối tượng nghiên cứu. Xét quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, ông nêu: "Nghệ thuật với đời người". Nhằm phân loại đối tượng người đọc, ông ghi: "Bạn đọc văn". Đề xuất quan niệm về các tiểu thuyết gia, ông có "Nhà viết tiểu thuyết". Cổ xúy lối văn chương tả chân, ông dạo đầu: "Câu chuyện văn chương tả chân chủ nghĩa". Rồi "Báo Sống phê bình Kép Tư Bền(4)", "Văn học bình dân". Có khi, ông còn tỏ thái độ với đối tượng, qua cách dùng từ "cái" để định danh: "Hai cái quan niệm về văn học". Tính chất hàm súc của tựa đề dễ tạo cho người đọc một định hướng tốt, một tâm thế tiếp nhận tốt. Họ cảm giác tác giả hết sức tập trung và am hiểu thấu đáo vấn đề tranh luận.

Tất nhiên, lối đặt tựa đề này không phải đặc quyền của (và chỉ có ở) Thiếu Sơn. Nhưng tần số xuất hiện của nó khiến văn phong Thiếu Sơn dễ lộ ra "sắc tướng", qua cảm nhận đầu tiên của người đọc.

 

***

 

Cách mở đầu bài viết của Thiếu Sơn khá nhẹ nhàng, luôn xuất phát từ dư luận, nhu cầu của người đọc.

Nhiều nhà phê bình thường vào đề bằng lời tự xưng, đề xuất chủ quan, theo kiểu: tôi thấy tình huống này nên tôi đặt ra. Tản Đà viết: "Trước đây tôi đã có bài nói về danh nghĩa của thơ, nay xin nói về tính chất."(Câu chuyện nói về thơ), "...Ông Mai Lâm với tôi là người không quen biết,..." (Đáp lời viếng của ông Mai Lâm),... Nguyễn Công Hoan thố lộ: "Thưa các ngài, tôi xin giới thiệu với các ngài là đã một phen tôi làm chủ báo." (Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo...), "Vì một bài báo của tôi mà cả tòa báo Phong Hóa bận rộn" (Lối trích văn của Phong Hóa),... Hoài Thanh, thỉnh thoảng, cũng mượn lối vào đề này: "Tôi tưởng ít nghề có thể mệt nhọc và khổ tâm bằng nghề văn." (Nỗi khổ tâm của nhà văn), "Ông Tam Lang là người chịu khó. Đó là cảm giác thứ nhất của tôi trong khi xem tập phóng sự này." (Tôi kéo xe, phóng sự của Tam Lang).

Bắt đầu bằng "cái tôi", các nhà phê bình muốn hăm hở bộc lộ ngay tư cách, quan điểm cá nhân. Thiết nghĩ, đó là điều cần thiết đối với một người chuyên nghề thưởng thức và thẩm định văn chương. Phần Thiếu Sơn, ông vẫn luôn có quan điểm cá nhân. Ngòi bút ông luôn tỏ rõ tính chuyên nghiệp (mặc dù, ông chỉ là một công chức Sở bưu điện viết phê bình). Tuy nhiên, ông có vẻ không hứng thú lắm, kiểu vào đề này. Ông thường thích "nhờ vả" ý kiến một cây bút lừng danh nào đó. Khi thì ông "mượn" thi sĩ tản Đà: "Ông Tản Đà đã có một lần than nỗi "Văn chương hạ giới rẻ như bèo" mà phải đem thơ lên chợ Trời đi bán" (Bạn đọc văn). Chỗ thì "nhờ" học giả Phạm Quỳnh: "Ông Phạm Quỳnh mở "Nam Phong tùng thư" có viết tựa mấy câu như sau này" (Hai cái quan niệm về văn học). Có lúc, ông cần một danh sĩ phương Tây: "Ông Léon Daudet, một yếu nhân trong Hàn lâm viện Goncourt, mới đây có viết trên một tờ tuần báo Pháp..." (Nghệ thuật với đời người). Phần nhiều, ông phải "vay mượn" dư luận người đọc để vào tình huống. Ở bài "Câu chuyện văn chương tả chân chủ nghĩa", ông mở đầu: "Đã nhiều người nhận thấy rằng văn chương của ta mới bắt đầu có khuynh hướng về chủ nghĩa tả chân". Sang bài "Văn học bình dân", ông viết: "Ít lâu nay, trong báo giới thường thấy nhiều người nói đến hai chữ Bình dân". Đến bài "Báo Sống phê bình Kép Tư Bền", ông đề cập: "Đã nhiều nhà phê bình nói đến ông Nguyễn Công Hoan và công nhận cho ông là một cái thiên tài hiếm có". Chỉ riêng trong bài "Nhà viết tiểu thuyết", ông mới trực tiếp "xuất đầu lộ diện": "Cũng ở Tiểu thuyết thứ bảy, cách đây đã khá lâu, tôi có viết bài Hai cái quan niệm về văn học". Trường hợp nầy, phải nói đúng hơn, là ông "tái xuất giang hồ", phải làm một việc chẳng đặng đừng: trực tiếp đối chất cùng cây bút Hải Triều.

Về lối vào đề này của Thiếu Sơn, tôi không cho là ông thiếu tự tin, cũng chẳng phải thiếu bản lĩnh, đến nỗi chịu cảnh "núp bóng nhà người". Bởi, không có bản lĩnh, chẳng ai dám vung bút làm một nhà phê bình, đi thẩm định văn người khác. Đọc lại Phê bình và cảo luận, người đọc không khó khăn gì để thấy ngay "cái tôi" của nhà phê bình nhân vật Thiếu Sơn: "Cách mười mấy năm nay, khi tôi còn học ở Moncay (Bắc kỳ), ông Trần-trọng-Kim đã có lần ra thanh tra trường học của tôi" (Ông Trần-trọng-Kim), "Trong những cuốn sách mà từ Nam, chí Bắc, không mấy người là không biết tới, tôi tưởng phải có truyện Tố Tâm, tác giả là một nhà tân học, ông Song An Hoàng Ngọc Phách" (Phần Phê bình sách), "Tôi không làm nghề văn sĩ, nhưng cũng có lúc cao hứng ngồi viết văn chơi" (Phần Cảo luận),... Tôi nghĩ, khi viết phê bình nhân vật và tác phẩm, Thiếu Sơn luôn chủ động giữ vai trò một "speaker". Ông hân hoan xuất hiện đầu tiên, để giới thiệu chương trình và kéo tấm màn nhung, đón mời nhân vật chính.

Thế nhưng, phải giải thích thế nào, trường hợp các bài báo? Tôi cả nghĩ, khi viết bài tranh luận, Thiếu Sơn muốn tránh góc nhìn định kiến chủ quan, mỗi khi kiến giải bất cứ vấn đề nào. Ông muốn, điều mình đặt ra phải là mối quan tâm của người khác, đều có ý nghĩa thời sự và cấp thiết đối với văn chương nước nhà.

Dù mở đầu bằng ý kiến ai đó, nhưng kết thúc bài viết, bao giờ ông cũng bày tỏ rõ ràng quan điểm cá nhân. Những quan điểm ấy, nhiều chỗ, đâu phải làm hài lòng tất cả, dẫn đến việc "không làm mếch lòng ai" (lời Vũ Ngọc Phan)? Tôi cho lối văn Thiếu Sơn có "nét duyên" ngầm, dễ lấy lòng người, bởi tính khiêm cung, không hề "đao to búa lớn". Ông luôn tỏ ra đề cao, hướng về người đọc: ông cầm bút xuất phát từ nhu cầu người đọc! Riêng giới phê bình, khi đọc ông, chắc cũng ít nhiều hởi lòng hởi dạ, vì biết quan điểm của mình luôn được một đồng nghiệp tôn trọng, lắng nghe. "Không làm mếch lòng ai", ý Vũ Ngọc Phan muốn nói đến chỗ này chăng?

 

***

 

Khi biện luận, Thiếu Sơn thường hay lật đi lật lại vấn đề, đối chiếu, so sánh, rồi mới bộc lộ ý kiến cá nhân.

Trước khi đề xuất ý kiến cá nhân, bao giờ ông cũng nêu, phân tích thấu đáo quan điểm của người khác, nhất là những quan điểm đối nghịch với ông. Có vẻ, ông không muốn người đọc vội tin và xuôi theo dòng chảy một chiều. Ông giúp mọi người hiểu rộng vấn đề, nhìn ngắm nó ở mọi giác độ, rồi hãy chọn lấy một hướng nhìn, một cách hiểu. Bàn về sự thực, ông nói "Muốn biết sự thực, ta phải biết qua cảnh mộng". Định đề cao "sự thực ở văn chương", ông yêu cầu phải biết trước hết "cái sự thực ở đời" (Câu chuyện văn chương tả chân chủ nghĩa). Nhằm phê phán cái nhìn cực đoan của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Học về văn chương, ông bắt đầu bằng việc phân tích cặn kẽ từng ý kiến của họ (Hai cái quan niệm về văn học). Trước khi điểm qua cái mới, ông không quên bàn về cái cũ: "Theo quan niệm cũ, theo chế độ cũ thì... Bây giờ nhân chịu ảnh hưởng văn học của Âu Tây,..." (Văn học bình dân).

Khi cần phản bác một ai, hoặc để tăng sức mạnh lập luận, ông sẵn sàng mượn lời người khác, những ý kiến phù hợp quan điểm với mình. Những câu trích ấy luôn có sức mạnh của ngòi nổ, kích thích tranh luận, phá vỡ bao định kiến hẹp hòi, cũ kỹ. Có thể kể, đó là cảm nghĩ của văn sĩ Flaubert: "Thỉnh thoảng tôi cảm thấy một cái trạng thái linh hồn cao hơn cái đời thực tại" (Nghệ thuật với đời người). Đây  là lời một văn sĩ Pháp: "Mỹ cảm là một cái cảm quan phát triển chậm nhất ở người ta", hoặc đề xuất của nhà triết học Bergson: "Văn chương là một cái xã hội mở chứ không là một cái xã hội đóng" (Bạn đọc văn). Có khi, dùng lối gián tiếp, ông chọn dịch trang viết của văn sĩ bình dân Jules Vallès cuối thế kỷ 19 (Văn học bình dân). Lúc cần, ông nhắc lại lời tự bạch của nhà tiểu thuyết Nga Tchékhov (Nhà viết tiểu thuyết). Có thể xem, những phần trích dịch này chính là đòn bẩy cho luận điểm của Thiếu Sơn. Nó đồng thời chứng tỏ sự uyên bác, tinh nhạy của tác giả, khiến những "cao thủ" đối đầu ông phải dè dặt và kiêng nể.

Khi lập luận, ông hay dùng lối đối chiếu, theo từng cặp ý tưởng: cân xứng hoặc phản nghịch. Trong "Câu chuyện văn chương tả chân chủ nghĩa", ông viết: "...một đằng là thực, một đằng là mộng, một đằng là sự quan sát tinh tường, một đằng là trí tưởng tượng phóng túng." Ở "Hai cái quan niệm về văn học", ông nhận xét: "Nhà triết học quý ở sự phát minh chân lý, nhà văn học quý ở sự trau dồi cái đẹp,...". Sang bài "Nghệ thuật với đời người", ông nhấn mạnh:

"Ông Léon Daudet là người đảng bảo hoàng, ông Hériot là người đảng xã hội cấp tiến.

  Ông Léon Blum là người đảng xã hội, ông Cachin là người đảng cộng sản."

Tương tự thế, trong bài "Văn học bình dân", ông khơi vấn đề: "Người thì bàn phải.... người thì nói phải....", lại thêm phần giảng giải: "Tiểu nhân làm nuôi quân tử. Quân tử học dạy tiểu nhân. Một đằng là thầy, một đằng là trò,...".

Lối đối chiếu này có vai trò làm tiền đề, là bước đệm quan trọng, giúp tác giả đưa ra luận điểm của mình. Ta thử lướt qua vài tiểu kết: "Nhân thế mà ta nói được rằng: cái sự thực ở văn chương còn bao la rộng rãi hơn cái sự thực ở thực tế nhiều" (Câu chuyện văn chương tả chân chủ nghĩa), "Người đảng bảo hoàng không thể đồng ý kiến được với những người đảng cấp tiến, xã hội hay cộng sản. Nhưng cái hay của văn chương thì người nào cũng cần phải biết thưởng thức như nhau. Vì văn chương không có phái đảng, vả là của mỹ thuật chứ không phải là việc của chánh trị" (Nghệ thuật với đời người),...

Phải chăng, riêng về cách trình bày nội dung, chính lối lập luận này đã khiến Vũ Thanh cho rằng Thiếu Sơn "chưa thoát được ảnh hưởng của văn phong biền ngẫu"? Theo tôi, lối viết này, ta đừng vội chê là dở. Biền ngẫu mà không lê thê, nặng nề điển tích, điển cố. Biền ngẫu mà không văn hoa, sáo rỗng. Biền ngẫu mà ý tưởng trở nên rõ ràng, mạnh mẽ, tác động ngay vào tâm trí người đọc. Điều đó đáng phải xem là một lối văn đáng yêu, cần thưởng thức chứ! Thậm chí, tôi lại cho văn Thiếu Sơn mang một phần sinh khí, hùng khí của lối cấu trúc song hành, thường đắc dụng trong phong cách ngôn ngữ chính luận sau này.

Khi lập luận, Thiếu Sơn có thói quen dùng từ ngữ, mẫu câu diễn tả quan hệ đối chiếu, tương phản: "nhưng, tuy... nhưng". Qua 07 bài báo, ông dùng 41 lần các từ ngữ này(5).

Ta thử điểm qua vài trường hợp:

        "Thời đại tả chân phản động lại với thời đại lãng mạn tuy là sự thực về lịch sử nhưng chủ nghĩa tả chân nếu hiểu cho đến nơi thì cũng phải có một phần lãng mạn ở trong" (Câu chuyện văn chương tả chân chủ nghĩa).

        "Vâng thì cho là nghệ thuật làm việc cho đời nhưng là làm việc một cách khác" (Nghệ thuật với đời người).

        "Ở nghệ sĩ, cái cảm quan ấy đã đành là phải có nhưng ở độc giả nếu không có thì cũng không đủ tư cách mà thưởng thức những công trình mỹ tác" (Bạn đọc văn).

Với cách lập luận này, Thiếu Sơn luôn tránh được thái độ độc đoán, phủ định sạch trơn những ý kiến đối nghịch với mình. Bao giờ ông cũng thừa nhận người khác có lý. Bao giờ ông cũng chấp thuận một phần quan điểm của họ. Tất nhiên, cuối cùng, tất cả đều cần được bổ khuyết bằng quan điểm của ông. Đó thực là cái khéo, sự  uyển chuyển của người tranh luận. Có lẽ, vì điều này mà Vũ Ngọc Phan đã hẹp hòi, gọi Thiếu Sơn là "nhà phê bình mềm mỏng và thủ cựu". Ông gọi kiểu lập luận ấy là "giọng nước đôi"? Bản thân tôi vẫn trân trọng lối lập luận của Thiếu Sơn. Bởi, nó đặt trên tinh thần tri âm và xây dựng, đáng làm bài học cho các cây bút phê bình hôm nay.

 

***

Khi triển khai quan điểm, Thiếu Sơn cũng hết sức coi trọng vấn đề định danh cho mọi hiện tượng, mọi khía cạnh vấn đề.

Theo dõi hệ thống lập luận của ông, ta liên tục bắt gặp kiểu câu định danh:       A là B. Ông đòi hỏi mọi người phải xác định rạch ròi đối tượng, trước khi đánh giá. Ông thích trình bày khúc chiết ý tưởng, bằng tư duy logich: "một là... hai là... thứ là...". Ông thường xuyên nhấn mạnh: "đó là, tức là, chính là, sự thực là, phải là, đều phải là,...". Ông còn củng cố thêm cách hiểu về những đối tượng quá quen thuộc trong đời sống và văn chương: "cũng là..., cũng chỉ là..., tỏ ra là..., chẳng phải chỉ là... mà còn phải là..., đều cần là..., nếu không là... thì cũng là..., hơn là...". Có khi, ông còn đòi hỏi xác định lại bản chất, vai trò của đối tượng : "chỉ là... chứ không cần là..., tuy là... nhưng chẳng phải là...".

Khai thác kiểu diễn đạt này, Thiếu Sơn muốn đòi hỏi mọi hiện tượng, mọi vấn đề tranh luận phải được khu biệt đúng phạm vi, bản chất của nó. Thực trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" trong tranh luận, phần nhiều, cũng do cách hiểu lệch pha, giữa các nhà phê bình, về đối tượng. Dĩ nhiên, cách hiểu và những đề xuất của Thiếu Sơn có thực khoa học, xác đáng chưa, đó là việc còn phải bàn. Chỉ biết rằng, khi đọc văn ông, người đọc luôn được gợi ý cách tiếp cận, cách xác định, cách hiểu vấn đề tranh luận. Và một khi hiểu được rành mạch vấn đề, người đọc dễ đặt hết tình cảm, lòng tin vào tác giả. Còn phía các nhà phê bình, kiểu viết của Thiếu Sơn khiến họ tránh được hiểu lầm, khỏi phải tiếp tục tranh luận vô ích, những gì đã thực sự là chân lý.

 

***

 

Trên đây là những nhận xét sơ khởi về văn phong tranh luận của Thiếu Sơn trên báo chí. Chưa đọc hết toàn bộ tác phẩm mà rút ra kết luận, đó là điều không nên có của một người nghiên cứu. Chỉ nghiên cứu phần văn phong mà không xoáy vào nội dung tư tưởng tác phẩm, đó là sự phiến diện của người đánh giá. Biết thế, nhưng tất cả chỉ vì người viết bị hạn chế thời gian và trình độ.

 

Bài viết này, do đó, xin được xem là bước thăm dò, những tiếp cận đầu tiên về văn phong Thiếu Sơn. Nó sẽ được củng cố chắc chắn hơn, một khi người viết mở rộng phạm vi khảo sát tác phẩm, tăng cường đối chiếu, thống kê. Dẫu sao, đây vẫn là bài viết chứa đựng tất cả tình cảm yêu quý, trân trọng của bản thân đối với một nhà phê bình, mà tên tuổi đã chói sáng nửa đầu thế kỷ qua. Chỉ qua văn phong, Thiếu Sơn cũng xứng đáng là tác gia phê bình có tầm cỡ: sắc bén, uyên bác, nhạy cảm và nhất là hết sức vô tư , khi "cầm cân nảy mực" đánh giá, tranh luận về tác gia và tác phẩm văn chương.

 

Thiếu Sơn đã từng giúp người đọc tìm hiểu văn phong các nhà văn. Hôm nay, người đọc chúng ta quay lại tìm hiểu văn phong Thiếu Sơn. Điều này, âu cũng là việc tri âm của những người cùng yêu quý văn chương vậy!

 

Thành phố Mỹ Tho, tháng 10 năm 2002

                                                                                   VPC

---------------

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

***

1/ Lại Nguyên Ân (1984), Phê bình văn học với các thuộc tính của nó, trích Văn học và phê bình, NXB Tác Phẩm Mới (tài liệu photo).

2/ Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (1984), Từ điển văn học, NXB KHXH, Hà Nội.

3/ Thanh Lãng (1995), Mười ba năm tranh luận văn học, tập I, NXB Văn Học - Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh.

4/ Phong Lê, Phê bình – khoa học và nghệ thuật (tài liệu photo).

5/ Huỳnh Lý (chủ biên) (1978), Lịch sử văn học Việt Nam, tập V – Phần I, NXB Giáo Dục, Hà Nội.

6/ Nguyễn Đăng Mạnh (1990), Vài suy nghĩ về phê bình văn học, trích Các vấn đề của khoa học văn học, NXB KHXH (tài liệu photo).

7/ Huỳnh Như Phương (đồng tác giả) (1999), chương Tác phẩm và người đọc, trích Lý luận văn học – vấn đề và suy nghĩ, NXB Giáo Dục, Hà Nội.

8/ Thiếu Sơn (1933), Phê bình và cảo luận, Edition Nam – Ky, 17, Bd Francis-Garnier – HaNoi, (tài liệu photo).

9/ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Thiếu Sơn và hoạt động phê bình văn học trước 1945 (tài liệu photo).

10/ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Vũ Ngọc Phan và hoạt động phê bình văn học trước 1945 (tài liệu photo).

 



[1] THIẾU SƠN (1908-1978)        

Thiếu Sơn tên thật là Lê Sĩ quí, ông sinh năm 1908 tại Hải Dương và mất ngày 5-1-1978.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, Thiếu Sơn được gia đình cho đi học rất sớm và khi thi đậu bằng thành chung, ông thi và học tiếp nghề Bưu Điện. Sau khi tốt nghiệp, Thiếu Sơn được bổ nhiệm vào làm việc tại Nhà Dây thép Gia Định.

Là người có năng khiếu và say mê văn học nên dù đang làm việc tại nhà Dây thép Gia Định nhưng Thiếu Sơn vẫn tham gia viết báo cho hầu hết các tờ báo có mặt tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Ngoài ra ông còn dành nhiều thời gian cho việc viết văn.

Năm 1932, ông cho xuất bản tác phẩm đầu tay của mình là cuốn phê bình văn học với tựa đề Phê bình và cảo luận. Từ tác phẩm đầu tay này cho đến năm 1945, ông hoàn thành và cho xuất bản hàng loạt tác phẩm văn học khác như: Câu chuyện văn học, Đời sống tinh thần, Người bạn gái

Năm 1940, sau Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, tên giám đốc Sở Bưu điện Gia Định uy hiếp tinh thần anh em công chức yêu nước bằng cách vứt lên bàn một xâu tai người và hắn nói đã cắt của "bọn CS phiến loạn". Sau đó, hắn bắt từng người tuyên thệ suốt đời phải trung thành với nhà nước đại Pháp. Trước tình hình đó, Thiếu Sơn không thề mà viết đơn xin thôi việc. Nhưng chúng không cho ông toại nguyện mà điều ông về làm việc tại nhà Dây thép Sài Gòn. Tại nơi làm việc mới, ông tranh thủ thời gian viết bài cho các báo Nam Phong, Phụ nữ Tân Văn, Đuốc Nhà Nam…

Ngày 18-8-1945, Thiếu Sơn cùng hàng ngàn nhân sĩ trí thức và hàng chục ngàn thanh niên Tiền phong Nam Bộ tập trung tại vường Ông Thượng (nay là Vườn Tao Đàn - Quận 1 - TP.Hồ Chí Minh) làm lễ tuyên thệ suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cương quyết bất hợp tác với Pháp, đánh Pháp tới cùng.

Sau ngày Nam bộ Kháng chiến, ông tham gia Đảng xã hội Pháp – Phân bộ Việt Nam và làm chủ tờ báo Công Lý (Justice) – cơ quan ngôn luận của Đảng xã hội Pháp tại Sài Gòn, một trong những tờ báo đi tiên phong trong phong trào Báo chí Thống nhất từ năm 1946-1949. Ngoài ra, Thiếu Sơn còn thường xuyên viết bài cho báo Việt Bút và nhiều tờ báo tiến bộ khác.

Năm 1949, Thiếu Sơn được tướng Nguyễn Bình mời ra chiến khu dự lễ thụ phong Trung tướng và tại Chiến khu, Thiếu Sơn được tiếp xúc với nhiều cán bộ kháng chiến như Linh mục Nguyễn Bá Lộc, giáo sư Phạm Thiều, giáo sư Ca Văn Thỉnh, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt… Một tuần sau, Thiếu Sơn nhận nhiệm vụ đưa ông Alain Savary - nghị viên Hội đồng Liên Hiệp Pháp vào chiến khu tìm gặp các đồng chí cán bộ lãnh đạo kháng chiến để bàn bạc, tìm giải pháp hoà bình cho hai nước Việt – Pháp.

Trong thời gian này, Thiếu Sơn bị bọn mật thám Pháp bắt giữ. Nhưng trước sự đấu tranh không khoan nhượng của đảng xã hội Pháp tại Sài Gòn chúng buộc phải thả ông. Ra khỏi tù, ông cùng nhiều trí thức tiến bộ khác tiến hành thành lập Hội Liên hiệp lao động trí thức Nam Bộ do Michel Văn Vĩ làm Chủ tịch. Đặc biệt, ông tham gia cuộc gặp gỡ với Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp – Georges Duhamel tại nhà Luật sư Trịnh Đình Thảo.

Nhiều hoạt động yêu nước của ông không thể che giấu được tai mắt bọn mật thám Pháp. Trước sự lùng bắt ráo riết của chúng, Thiếu Sơn phải cùng với Vũ Tùng và Dương Tử Giang… bỏ Sài Gòn ra chiến khu Cách mạng. Tại Chiến khu, ông được phân công công tác tại Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, đồng thời tham gia ban Biên tập báo Cứu Quốc và đây cũng là thời gian ông viết và xuất bản nhiều tác phẩm văn học, trong đó có hồi ký cách mạng Những người làm nên lịch sử nổi tiếng.

Năm 1954, Thiếu Sơn được tổ chức phân công trở về Sài Gòn hoạt động và tiếp tục viết cho các tờ báo Công Lý, Điện Báo, Duy Tân.

---

Theo Trí thức Nam Bộ (1945-1954) NXB Đại học Quốc gia TP.HCM,2003, tr.320

[2] Từ điển văn học tập II, NXB KHXH, Hà Nội, 1984

[3] Các bài báo được in lại trong Mười ba năm tranh luận văn học, tập I, giáo sư Thanh Lãng (tập hợp), NXB Văn Học kết hợp Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh ấn hành, năm 1995.

 




No comments:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu