HÌNH ẢNH NGƯỜI VỢ THƯƠNG CHỒNG



image001

 

HÌNH ẢNH NGƯỜI VỢ THƯƠNG CHỒNG

TRONG CA DAO – DÂN CA TRỮ TÌNH.

 

 

 

***

 

1. CA DAO – DÂN CA TRỮ TÌNH VÀ HÌNH ẢNH NGƯỜI VỢ THƯƠNG CHỒNG:

Là một thể loại lớn trong văn học dân gian, ca dao – dân ca phản chiếu đời sống và thế giới tâm hồn của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, ca dao - dân ca trữ tình chính là nơi ngưng đọng và thăng hoa những tình cảm tốt đẹp của người dân lao động. Ở đó, chúng ta gặp gỡ biết bao con người đáng yêu. Đó là những chàng trai, cô gái e ấp bước vào vườn hồng tình yêu. Đó là người con gái lấy chồng xa quê, âm thầm bước ra ngõ sau xa vắng. Đó là những anh lính thú gạt nước mắt xuống thuyền,… Riêng trong bài ca tình nghĩa gia đình, ta còn gặp những người mẹ gồng gánh tảo tần, những người chị đảm đang, những người bà còng lưng, ầu ơ ru cháu. Chính họ đã làm nên sinh khí cho ca dao – dân ca trữ tình. Nhưng sẽ thiếu sót biết bao, khi ta lãng quên những người vợ, trong mối quan hệ vợ chồng. Cuộc đời người phụ nữ gắn chặt với nếp sống gia đình. Lúc ở bên cha mẹ, họ hiếm khi rời xa mái nhà quen thuộc. Đến khi lấy chồng, họ lại gắn với một gia đình khác. Họ về nhà chồng, niềm vui thường ít, đau khổ lại nhiều. Bởi thế, họ luôn mơ ước có một căn nhà riêng, để đắp xây thành tổ ấm. Nhưng có được cái tổ ấm bé nhỏ ấy, họ phải triền miên chống chọi với bao nghịch cảnh, biến động của cuộc đời. Cái tổ ấm ấy gắn liền số phận họ. Họ tìm chỗ dựa cho số phận mình nơi người chồng. Thảng hoặc, cũng có những người chồng đổ đốn. Nhưng hầu hết, các tổ ấm đều có người chồng trụ cột, và nhất là, không thể thiếu vắng hình ảnh người phụ nữ thương yêu, chăm sóc cho chồng. Họ thương chồng, đồng thời cất lên những khúc hát chân thành, sâu lắng nhất về tình cảm yêu thương của mình. Ca dao – dân ca trữ tình, từ đó, có hẳn một mảng bài ca sinh động về người vợ thương chồng.

Tìm hiểu hình ảnh trên, chúng ta có điều kiện khám phá thế giới tâm hồn người phụ nữ trong thể loại ca dao – dân ca, đồng thời bước đầu phát hiện những công thức truyền thống đã cấu tạo nên mảng bài ca này.

 

2. VÀI NHẬN XÉT VỀ TƯ LIỆU:

Để phần nào tái hiện chân thực hình ảnh người vợ thương chồng, chúng tôi thu hẹp phạm vi tư  liệu vào những bài ca phản ánh mối quan hệ giữa vợ với chồng. Những bài ca than thân trách phận được loại ngay từ đầu. Phần tư  liệu tìm được, chúng tôi dựa vào lý thuyết về nhân vật trữ tình, để chỉ khảo sát những bài ca là tiếng lòng trực tiếp của người vợ. Ở đây, chúng tôi phân biệt chủ thể trữ tìnhnhân vật trữ tình. Khái niệm nhân vật trữ tình, trong thể loại trữ tình, nhằm chỉ nhân vật trực tiếp bộc lộ cảm xúc trong bài ca. Nhân vật trữ tình không đồng nhất với tác giả. Trong ca dao – dân ca, vấn đề này tỏ ra đơn giản, bởi người sáng tác, người diễn xướng và nhân vật trữ tình thường hòa làm một. Tuy nhiên, ở một vài tác phẩm, cách hiểu này sẽ gặp khó khăn, khi bài ca có nhiều nhân vật,  tất cả đều có khả năng bộc lộ cảm xúc. Ví dụ trường hợp sau:

“Mẹ như ánh nắng mùa đông

Soi không tận mặt, tận lòng cho con”

Bài ca này có đến hai nhân vật cần được tìm hiểu: người mẹ và cô con gái đang yêu. Vậy, ai là người đã cất lên tiếng lòng buồn não ruột?

Vì vậy, để tránh nhầm lẫn, chúng tôi dùng khái niệm chủ thể trữ tình. Đó là “cái tôi”, ngôi thứ nhất, trực tiếp bộc lộ tiếng lòng trong bài ca. Còn nhân vật trữ tình là đối tượng mà “cái tôi” trữ tình hướng tới, thổ lộ, giãi bày. Từ đây, chúng tôi chỉ khảo sát những bài có chủ thể trữ tình là người vợ. Còn người chồng, hay nhân vật thứ ba nào đó, đang lắng nghe tâm tình của một người vợ thương chồng, tất cả được chúng tôi xem là nhân vật trữ tình . Cũng từ đây, chúng tôi từ chối khảo sát những bài không rõ chủ thể trữ tình, mặc dù chúng vẫn là những bài ca về nghĩa tình chồng vợ. Ví dụ như:

     “Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon”

Hay:

“Chim quyên ăn trái nhãn lồng

Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”

“Trăm năm cho vẹn chữ tòng,

Sống sao thác vậy, một chồng mà thôi”.

Bước đầu, những tư liệu được chọn đã nổi lên một số đặc điểm giống nhau. Chúng đều có kết cấu đối đáp một vế. Ở đó, người vợ tâm tình với chồng, hầu hết qua cách nói ngọt ngào: “thiếp – chàng” (xuất hiện thường xuyên trong tiểu luận này, qua các dẫn chứng) . Chiếm một số lượng lớn, cách xưng gọi “thiếp – chàng” là dấu hiệu đầu tiên nhận diện bài ca, đồng thời có tư cách của một công thức chi tiết đầu tiên, thuộc mẫu đề người vợ thương chồng.

Thỉnh thoảng, người vợ đối thoại với một người thứ ba nào đó, qua cách nói: “chồng tôi, chồng em, chồng ta”,… Không hề có ở mảng bài ca này cách xưng gọi bóng gió thường gặp ở bài ca tình yêu: “ai, đó – đây, mình – ta, thuyền – bến, mận – đào, trúc – mai”,… Có lẽ, cuộc sống gia đình, ngày ngày đối diện với nhọc nhằn, lo toan, đã khiến người phụ nữ  ít được sống trong cảnh đêm trăng, ngày hội mơ mộng, như đôi lứa mới vào yêu. Họ đến với chồng một cách thực tế hơn, nhưng không hề sỗ sàng, thô thiển. Họ nói với chồng bằng giọng điệu tình nghĩa ngọt ngào.

 

3. NGƯỜI VỢ - NHỮNG BIỂU HIỆN THƯƠNG CHỒNG:

3.1. Trực tiếp thố lộ tình cảm:

Những người vợ thương chồng luôn khao khát nói lên tình cảm của mình. Họ muốn chồng biết được trái tim và tấm lòng của họ. Không cần mượn lời đưa đẩy, cũng chẳng cần che giấu, họ cứ bộc trực thốt lên hai tiếng “thương chồng”:

“Thương chồng nấu cháo le le”

“Thương chồng nên phải lầm than”

“Thương chồng nên phải khuyên chồng đôi câu”

“Đồng bao nhiêu lúa thương chồng bấy nhiêu”

“Mồ hôi ướt đẫm, thương chồng phải theo”

“Cúi đầu lạy mẹ, thương chồng phải theo”

“Mẹ kêu con dạ, thương chồng phải theo”

“Đi ra một bước thương chồng nhớ con”

Nào phải đây là những lời nông cạn, ở chót lưỡi đầu môi. Người phụ nữ Việt Nam vốn sâu sắc, ý tứ. Thuở yêu nhau, tình họ nồng nàn cháy bỏng, nhưng đâu phải lúc nào họ cũng dám thố lộ hai tiếng: “thương anh”. Họ thường nói một mình, hoặc nhờ chiếc nón, tấm khăn để che bớt nỗi thẹn thùng, để nói thay tấm lòng yêu. Nhưng khi vào cuộc sống vợ chồng, cách nói bóng bẩy ấy lại thành ra không thật. Họ cũng chẳng quen nói tiếng “yêu chồng”. Phải chăng, họ ngượng ngùng, xa lạ với chữ “yêu”? Cũng phải thôi, biết bao phụ nữ có chồng mà chưa một lần nếm trải tình yêu trai gái. Biết bao người từng yêu kẻ này nhưng lại ăn đời ở kiếp với một người khác, chưa hề cùng nhau thương nhớ, hẹn hò. Thành ra, khi ấy, trong cuộc sống vợ chồng, cái nghĩa lại đến trước cái tình. Cũng từ đó, trong rất nhiều cách nói tình nghĩa, dường như chỉ hai tiếng “thương chồng” mới gói trọn hết tình sâu nghĩa nặng của người phụ nữ.

Như vậy, từ ngữ “thương chồng” chính là một công thức chi tiết, thuộc mẫu đề người vợ thương chồng.

3.2. Đề cao, tự hào về chồng:

Thương chồng, người vợ luôn muốn đề cao, tự hào về chồng. Quen sống và suy nghĩ bộc trực, giản dị, họ tìm đến cách nói cụ thể, hình ảnh. Họ ưa chuộng cách nói so sánh. Tuy có phần phóng đại nhưng cách nói này nói dùm họ những cảm xúc khó bề đo đếm nổi. Muốn diễn tả tình thương vô bờ của mình, họ liên hệ với những đại lượng gợi ấn tượng số nhiều:

“Qua đồng ghé nón thăm đồng

Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu”.

Có ai gần gũi, gắn bó, vui buồn với cây lúa bằng người nông dân. Có ai yêu cây lúa bằng người phụ nữ chân lấm tay bùn. Họ mơ đến nó từ hồi mới vung nắm thóc trên đồng. Họ sung sướng nhìn hạt thóc thành cây mạ. Họ “cải tử hoàn sinh” từng cây mạ non tơ ấy, để nó thực sự sống đời cây lúa. Rồi họ nâng niu, chăm sóc, hồi hộp lo nắng, lo mưa, đợi ngày lúa trổ đòng, trĩu hạt,… Có hiểu những nhọc nhằn, lo toan ấy của người phụ nữ nông thôn trên ruộng đồng, ta mới hiểu vì sao tình yêu cây lúa được họ đem sánh với tình cảm yêu chồng.

Người phụ nữ sống trong cộng đồng làng xã, nhìn ra xung quanh, mỗi gia đình một hoàn cảnh, họ không khỏi so sánh “chồng ta” với “chồng người”:

“Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người”

“Xấu xa cũng thể chồng ta

Dù cho tốt đẹp cũng ra chồng người”

Cuộc đời họ vốn lam lũ, khổ nghèo, chịu nhiều thua thiệt. Nhìn chị em bạn, họ làm sao không mặc cảm, tự ti. Hơn ai hết, họ biết chồng mình luôn chịu thiệt thòi, thua kém, so với người khác. Nhưng với họ, người chồng mãi là hình ảnh thân thương, không gì thay thế được. Người chồng là tất cả hạnh phúc, ý nghĩa của đời họ. Phải chăng, vì thế, họ càng muốn đem tình yêu thương, bù đắp mọi thiệt thòi cho chồng mình?

Có khi, để thổ lộ tình thương chồng, họ còn dám so sánh cả chồng với mẹ:

“Mẹ cha bú mớm nâng niu

Tội trời đành chịu, không yêu bằng chồng”

Thương chồng hơn mẹ, có vẻ người vợ là đứa con bất hiếu. Nhưng thực ra, đó chỉ là cách nói, cách ví von. Bởi, theo đặc trưng foklore, cách so sánh dân gian không nhằm đề cao đối tượng này để phủ định đối tượng kia. Bài ca, vì thế, chính là tiếng nói thực lòng của người phụ nữ: tình thương chồng không thể thay bằng một tình cảm khác.

Vẫn bằng cách so sánh, người vợ đặt chồng ngang những giá trị vật chất quý hiếm:

“Chồng tôi như thể cái oi

Hôm dọp mai dẹp, tôi cũng coi đồng (bằng) vàng”.

Tuy nhiên, những bài đề cao chồng theo hướng này khá hiếm. Có lẽ, người vợ chẳng hề muốn đem vật chất để so sánh với chồng mình. Bởi vậy, bài ca này đâu phải nói với chồng. Người vợ đang nói với nhân vật thứ ba nào đó, bằng thái độ không nồng nhiệt lắm. Dường như trong cách nói “chồng tôi” có chút gì tự ái, pha lẫn tự hào. Nó là sự phản ứng lại chăng, trước những lời chua ngoa, xúc phạm của ai đó đối với chồng mình?

Thực dạ thương chồng, người vợ chẳng muốn hơn thua, ganh tị với ai:

“Không thiêng cũng thể bụt nhà

Dầu khôn, dầu dại cũng là chồng em”

Lối sống trọng tình nghĩa, vị tha, độ lượng của người Việt Nam khiến người vợ không quen với kiểu sống “tham đó bỏ đăng”. Họ chấp nhận số phận. Họ bằng lòng và vui với hiện tại. Với họ, người chồng càng chịu thiệt thòi, lại càng đáng để họ chăm sóc, yêu thương.

Bước đầu, có thể thấy, những bài ca mang nội dung đề cao, tự hào của người vợ về chồng thường sử dụng công thức so sánh. Công thức quen thuộc là từ ngữ: “bằng chồng, không bằng chồng, cũng là chồng,…”. Cho dù cách nói của họ có phần phóng đại, quý chồng như vàng, coi chồng hơn mẹ, chồng người chẳng sánh nổi với chồng ta,… nhưng thực ra, họ vẫn là một con người biết điều hơn lẽ thiệt, luôn vẹn tròn bổn phận với làng xóm, gia đình.

3.3. Vì chồng, chấp nhận mọi thiệt thòi, vất vả:

Trong bài ca tình nghĩa, người vợ không bao giờ xuất hiện với lòng vị kỷ. Dường như cuộc đời họ, tâm hồn họ đã dành hết cho chồng. Niềm vui, lẽ sống của họ gởi cả nơi chồng. Họ sống chỉ vì chồng:

“Vì tằm em phải chạy dâu

Vì chồng em phải qua cầu đắng cay”.

Hai tiếng “vì chồng” đã gói trọn trong đó một sự hy sinh. Chế độ phong kiến buộc người phụ nữ phải phụng sự chồng. Nhưng trong các bài ca, hành động “vì chồng” của người phụ nữ đâu phải là nghĩa vụ. Họ không hề chịu áp lực nào. Họ tự nguyện dẹp bỏ sở thích cá nhân. Họ không sống cho mình. Họ tự nguyện đón nhận thiệt thòi bằng niềm vui, sự mãn nguyện. Được hy sinh vì chồng, người vợ tìm thấy niềm hạnh phúc.

Có thể nói, đức hy sinh là phẩm chất vốn có của người phụ nữ. Ở nhà, họ lo lắng cho cha mẹ, các em. Có chồng, họ phải gánh giang sơn nhà chồng. Đến khi có một mảnh ruộng riêng, một gian nhà nhỏ, họ càng dồn hết mọi lo lắng, yêu thương cho chồng. Sau này, dẫu có con, họ cũng không vì con mà chia sớt tình thương đối với chồng.

Đáy lòng họ luôn vang lên hai tiếng “vì chồng”. Thương chồng, họ chấp nhận thiệt thòi, gánh chịu mọi gian nan thử thách. Trong những lúc tâm sự với chồng, họ không quên thổ lộ hai tiếng “vì chàng”:

“Vì chàng, thiếp mới tới đây”

“Vì chàng, thiếp phải long đong”

“Vì chàng, thiếp phải mua mâm”

“Vì chàng, thiếp phải đi trăng về mò”

“Vì chồng, vì chàng” – tiếng nói ấy vang lên từ tấm lòng chịu thương chịu khó , đức hy sinh của người vợ. Nó không nhẹ như bấc, nặng như chì. Nó là âm thanh của ngọc còn trong đá. Gói trọn trong nó là những cuộc đời tần tảo. Không bao giờ có hình ảnh vui, ở những bài ca này. Cũng không có giọng điệu oán hờn. Có chăng là một tiếng thở dài cam phận. Cách diễn đạt: “Vì… mới (nên)”, cùng với từ ngữ “thân thiếp” đã ngầm khắc họa một con người luôn nghĩ đến “một duyên hai nợ” “âu đành phận” (ý thơ Trần Tế Xương). Hành động vì chồng, trong các bài ca, tưởng như là lẽ đương nhiên của mọi người vợ trên thế gian này.

Bởi vậy, dù không cần thổ lộ với chồng, người vợ vẫn tự nguyện bước vào cuộc sống mới, dẹp bỏ những vui thú, sở thích ngày trước của mình. Cách nói thường gặp là từ ngữ “có chồng”, kết hợp với hình ảnh diễn tả những thiệt thòi cụ thể của người vợ:

“Có chồng bớt áo thay vai”

“Có chồng nên bớt hoa tai”

“Có chồng như ngựa có cương

Đắng cay cũng chịu, vui thương cũng nhờ”

Thảng hoặc, một số bài ca chỉ hiện lên những thiệt thòi, biểu hiện của đức hy sinh:

“Lấy chồng theo thói nhà chồng

Bao nhiêu thói cũ trả lòng mẹ cha”

“Miếng nạc thì để phần chồng

Miếng xương mẹ gắp, miếng lòng phần con”

“Một trăm tiếng xấu em mang

Tiếng dơ em chịu, để chàng thơm danh”

Có thể thấy, những bài ca mang nội dung “vì chồng” đã phản ánh một xã hội, mà ở đó, người phụ nữ được giáo dục phải phục tùng đàn ông. Nhưng trong đó, người vợ không sống như một nô lệ, không đối xử với chồng như một cách trả nợ đời. Họ luôn mang tinh thần xả kỷ, dẹp bỏ mọi riêng tư, bởi họ muốn mang đến cho chồng mọi điều êm đẹp nhất. Đó là cách họ biểu hiện tình thương chồng, cũng là biểu hiện một nỗi khát khao có được gia đình êm ấm.

3.4. Thương chồng, chấp nhận theo chồng trong mọi hoàn cảnh:

Chính bởi luôn sống vì chồng nên người vợ phải trao gởi hoàn toàn số phận mình cho chồng. Nhưng cuộc đời không hề phẳng lặng, để ai ai cũng vui vầy, an cư lạc nghiệp. Cảnh đói nghèo, giặc giã luôn kéo người đàn ông ra khỏi cảnh sống bình yên. Họ phải đi làm mướn nơi xa, đi khẩn hoang đất mới, kể cả xông pha trận mạc. Thương chồng, nhưng người vợ không níu giữ được chồng. Họ lại không muốn, không thể sống thiếu chồng. Bởi vậy, họ sẵn sàng gồng gánh, bươn bả theo chồng. Có hàng loạt bài ca gắn với từ ngữ “theo”, “phải theo”, “theo chồng”, “theo chàng”, “theo cùng”. Từ ngữ này lại kết hợp với những cảnh ngộ nguy hiểm, như ”sông – suối – biển”, “đèo – hang”:

“Qua sông cất bước theo chồng”

“Vai mang khăn gói qua sông

Cúi đầu lạy mẹ, thương chồng phải theo”

“Chàng lên non thiếp cũng lên non

Chàng lên trời vượt biển, thiếp cũng bồng con theo chàng”

“Chàng đi thiếp cũng xin theo

Quản chi lội suối vượt đèo chàng ơi!”

“Có chồng thì phải theo chồng

Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo”

Có lúc, các bài ca gắn liền những từ ngữ diễn tả trực tiếp nỗi nhọc nhằn của người vợ:

“Mồ hôi gió đượm

Thiếp thương chồng thiếp phải chạy theo”

“Mồ hôi ướt đẫm thương chồng phải theo”

“Đói no thiếp cũng theo chàng”

“Chàng ơi đưa gói thiếp mang

Đưa gươm thiếp vác, cho chàng đi không”

“Chồng đâu vợ đó cho rồi

Hiểm nguy thiếp chịu, sóng dồi thiếp cam”

“Anh qua làm rể bên em ăn cơm với cá

Em qua làm dâu bên anh ăn rau má với rạm đồng

Đắng cay em cũng chịu, lạnh lùng em cũng theo”

Động cơ theo chồng của người vợ khác xa với hành động liều lĩnh theo bạn tình của người con gái. Ở bài ca tình yêu, trai gái bỏ nhà theo nhau là để trốn chạy, phản kháng sự hà khắc của gia đình, của những ràng buộc về luân lý. Còn ở bài ca này, người vợ không hề trốn chạy, phản kháng một áp lực nào. Họ ý thức rất rõ hiện tại và tương lai của mình. Họ chấp nhận theo chồng, đơn giản vì muốn cảnh “chồng đâu vợ đó”ù. Họ càng muốn chia sẻ mọi gánh nặng, hiểm nguy với người cùng mình kếtù nghĩa trăm năm.

Giả như người lao động ngày xưa không có cảnh khổ nghèo, long đong, chìm nổi, chắc rằng ca dao – dân ca sẽ không có những bài ca gắn với công thức “theo chồng”.

3.5. Chăm sóc chồng chu đáo:

Ở cạnh chồng, người vợ hết mực chăm sóc chồng, từ vật chất đến tinh thần. Trong gia đình, người chồng thường là trụ cột, là sức lao động chủ yếu. Mọi chuyện nặng nề nhất, từ cuốc, cày, bừa, đào mương, đắp đập, đến mang vác, chống chèo,… người chồng đều dang tay gánh đỡ. Người vợ thương chồng, hiểu được nỗi cực nhọc của chồng. Họ muốn phục hồi sức lực cho chồng bằng cách nấu những món ăn ngon. Bài ca diễn tả hành động này thường xuất hiện động tác nấu nướng và các món ăn:

“Thương chồng nấu cháo le le

Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen”

“Chồng chê thì mặc chồng chê

Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ”

Nào phải là nem công chả phượng, những món ăn ấy được chế biến từ sản vật quen thuộc của làng quê. Nó là dưa, là bông bí trên giàn, là hạt sen ngoài đầm, là le le, cá trê bẫy bắt từ bưng, từ ruộng. Nhưng kỳ diệu thay, chúng vừa là thức ăn, vừa là vị thuốc dân gian ngọt mát, giúp mau phục hồi sức khỏe, bồi bổ nội lực cho chồng. Những món ăn ấy là dấu tích kinh nghiệm ẩm thực dân gian bao đời truyền lại. Vào bài ca, nó bỗng trở thành biểu tượng đẹp cho tình thương của vợ đối với chồng.

Lo ăn, người vợ còn lo cho chồng cái mặc. Manh áo, tấm khăn, đâu chỉ để ấm lành thân thể. Nó còn là vẻ ngoài, để chồng đi đứng không thua kém người ta. Người vợ không giấu giếm niềm vui, khi tự tay lo chồng chu đáo:

“Trời mưa thì mặc trời mưa

Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi

Chồng tôi đi chơi đã có nón đội

Chồng tôi đi hội đã có dù che”

“Ai kêu văng vẳng bên sông

Tôi đương vá áo cho chồng tôi đây”

“…Còn thừa mua nhiễu quấn khăn

Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng”

“Vải em, em bán lấy tiền

Em mua lụa liền may áo cho anh

Trong thì lót tím lót xanh

Ngoài thêu đôi bướm lượn cành phù dung”

Những khăn, áo, nón của chồng, dù có phần xênh xang, đều do công của vợ. Họ gởi hơi ấm, tình thương của mình trong đó. Ao ước của họ đơn giản chỉ là “để anh ăn bận cho tày thế gian”. Hình ảnh người chồng trong các bài ca này thật đẹp đẽ, lịch sự. Nhưng phía sau, có lẽ còn một hình ảnh khác đẹp hơn, đó chính là ánh mắt âu yếm, ràn rụa sung sướng của người vợ, khi thấy chồng không kém thua chúng bạn.

Người chồng làm việc nặng nề, cật lực, làm sao tránh khỏi những lúc ốm đau. Khi ấy, người vợ càng túc trực bên chồng. Họ bỏ cả việc ruộng đồng, buôn bán, để về lo chồng thang thuốc:

“Buổi mai em buôn gánh gạo,

Buổi chiều em tạo gánh trầu,

Tai nghe anh thọ bệnh đau đầu,

Em về vứt triêng, đạp gánh lại hầu thuốc thang”

“Tai nghe anh đau bụng nằm dài

Em lên trên phố mua vài lạng nhung

Về rồi hai lạng sắc chung,

Tay em bưng chén thuốc, tay lại khoác (vén) mùng

Khuyên anh dậy uống, sống cùng với em”

“Em cầm con dao sắc, xắc bảy lát gừng

Bỏ vô chén thuốc, sắc lại bảy phân,

Tay em bưng, chân em bước, miệng em vái cùng trời

Khuyên anh dậy uống, sống cùng với em”

Những bài ca về người vợ nuôi chồng đau bệnh đều giống nhau ở cách thể hiện. Người vợ bao giờ cũng xuất hiện với một loạt hành động, trong đó, không thể thiếu công việc sắc thuốc. Cách miêu tả hành động dồn dập đã gợi ra tâm trạng cuống quýt, rối bời của người vợ trước bệnh tình của chồng. Họ luôn bị ám ảnh bởi cảnh tử biệt sinh ly. Cũng phải thôi, xã hội ngày xưa lạc hậu, thuốc thang chỉ nhờ vào kinh nghiệm, phước thầy may chủ. Thành ra, người vợ không thể thiếu lời cầu khấn, để chồng “sống cùng với em”, “sống già đời với em”.

3. 6. Ước muốn chồng được rỡ ràng, thơm danh:

Người phụ nữ bình dân quan niệm rất giản dị về cuộc sống. Nhưng ta đừng tưởng họ không mơ ước được rỡ ràng, được thơm danh với đời. Bản thân họ không có điều kiện học hành, thi thố, nên họ dồn mọi hy vọng, niềm tin vào khả năng của chồng. Thương chồng, họ muốn chồng có chí tiến thủ, muốn chồng học hành, thi cử, sớm đỗ đạt vinh quy:

“Em về dệt cửi trên khung

Để anh đọc sách cùng chung một đèn”

“Việc nhà em liệu cho ngoan

Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà”

“Xin chàng kinh sử học hành

Để em cày cấy cửi canh kịp người”

“Anh đi thi cho đậu tú tài

Cửa nhà gia thế trong ngoài có em”

Những bài ca này thể hiện qua hình thức lời khuyên của người vợ. Họ “khuyên chàng”, “xin chàng”, có khi kêu gọi “anh đi”, “anh về”, “anh liệu”,… Gắn liền lời khuyên là hành động cụ thể của người vợ. Bao giờ, họ cũng tự nguyện gánh vác phần việc nặng nề của gia đình. Họ muốn chồng yên tâm để dốc toàn tâm cho việc học. Họ thật sự ao ước có một người chồng giỏi sách thánh hiền. Quan niệm ấy chịu ảnh hưởng từ cách đánh giá thang bậc giá trị con người của chế độ phong kiến: “nhất sĩ nhì nông”. Sự phân biệt thứ bậc ấy cần được bàn lại, nhưng ước vọng của người vợ, về chồng mình, đáng được cảm thông trân trọng. Ước vọng ấy, xét một góc nào đó, còn là minh chứng cho một niềm tin vào bản thân của người lao động. Họ hoàn toàn có thể làm được những việc lớn lao, rạng danh với đời. Trong sự thành đạt của người đàn ông, không thể thiếu phần đóng góp thầm lặng của người vợ thương chồng.

3.7. Cùng chịu khó, xây dựng gia đình hòa hợp, đầm ấm:

Chuyện vợ chồng chung sống, làm sao tránh khỏi đôi lúc giận hờn, lời chua tiếng đắng. Người đàn ông tính nóng, lại thích cầm quyền, nên thường là đầu mối gây sóng gió trong nhà. Lúc ấy, người vợ càng thương chồng, càng biết dịu dàng, nhường nhịn. Họ gạt bỏ lòng tự ái. Họ tìm mọi cách để xoa dịu cơn nóng giận của chồng. Họ tìm cách giữ hòa khí, mang lại cho chồng niềm vui:

“Bớt lửa đương lúc cơm sôi

Nhịn chồng đương lúc gan lồi con ma”

“Trên trời, dưới đất, giữa vua,

Nên chi em phải nhịn thua lời chàng”

“Thương anh không dám lên võng, nỏ dám trèo thang,

Em nâng niu như trứng mỏng, anh phàn nàn nỗi chi”

“Đương khi chồng giận mình đi,

Khi chồng hết giận lại thì vui khuây.

Ngãi nhân như bát nước đầy

Bưng đi mà đổ hớt rày được đâu”

Ao ước của người vợ là gây dựng được gia đình hoà hợp, đầm ấm. Người vợ biết, khi sóng gió qua đi, vợ chồng lại vui vầy. Ở bài ca có nội dung này, thường xuất hiện những hình ảnh gắn kết, hòa hợp nhau:

“Giàu như ai mô nỏ (chẳng) biết

Thiếp gặp chàng đây vốn thiệt cả nghèo

Chàng lên non hái củi, thiếp xuống đèo hái rau”

“Trầu xanh, cau trắng, khay vàng

Cơi trầu bịt bạc, thiếp chàng ăn chung

Trầu xanh, cau trắng, khay hồng

Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”

“Em về cắt rạ đánh gianh

Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà.

Sớm khuya hòa thuận đôi ta

Hơn ai gác tía lầu hoa một mình”

“Một thuyền, một bến, một dây

Ngọt bùi ta hưởng, đắng cay ta chịu cùng”

“Đói no có thiếp có chàng

Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình”

“Thiếp gặp chàng như ngựa lang gặp hội

Chàng gặp thiếp như hạc đỗ lưng quy

Cứ lời anh dặn em ri

Giàu sang mặc họ, khó khăn chi cũng vợ chồng”

Những hình ảnh, trong mảng bài ca trên, có xu hướng tái hiện cuộc sống lao động (cấy cày), gầy dựng mái ấm gia đình (đánh tranh – lợp nhà),... Ở đó, vợ chồng kề cận bên nhau (như đôi cu cu, chồng trước vợ sau, có thiếp có chàng). Tất cả đều thắm nồng tình nghĩa, vui như ngày hội (trầu xanh – cau trắng – khay vàng, ngựa lang gặp hội, hạc đỗ lưng quy).

Những từ ngữ trong bài cũng góp phần diễn tả sự đồng lòng, cùng chia sẻ sướng khổ với nhau: “ta hưởng’, “ta chịu cùng”, “thiếp chàng ăn chung”, “hòa thuận đôi ta”, “cùng vợ cùng chồng”,… Dẫu rằng, cuộc sống của hai người đâu phải toàn vị ngọt bùi: “đói no”, “đắng cay”, “lên non hái củi, xuống đèo hái rau”,…

3.8. Nhớ thương, xa cách, chờ đợi chồng:

Gắn bó hôm sớm cùng chồng, người vợ không quen cảnh sống xa nhau. Nhưng tạo hóa trêu ngươi, hay bày đặt cảnh vợ xa chồng. Trong tình cảnh ấy, người vợ bao giờ cũng đau khổ nhất. Họ luôn sống trong tình cảnh “xa - vắng – nhớ – trông – chờ”. Các bài ca thể hiện tâm trạng này thường gắn với từ ngữ “nhớ chồng, trông chồng, vắng chồng, chờ chồng,…”. Chúng thường là lời độc thoại của người vợ, tự bạch nỗi cô đơn, phòng không chiếc bóng. Nhưng có khi, họ tưởng tượng đang đối mặt với chồng. Họ đối thoại với chồng: “vắng mặt chàng, thiếp xa chàng, nhớ chàng”.

Người vợ chờ chồng luôn buồn rười rượi. Họ biếng ăn, chẳng màng trang điểm: “ăn vàng không ngon, chậu thau ai rửa, gương vàng ai soi”. Lòng họ đau như “dao cắt”, lúc nào cũng “nước mắt lâm ly”. Quá buồn thương, họ luôn thấy tâm trạng mình trong những hình ảnh gợi ra sự cách xa, đơn lẻ, rã rời. Gần gũi, mộc mạc như “bóng xế trăng lu, phên hư nuột lạt đứt, tầm vắng dâu, chèo bẻo xa cây măng vòi, chiếu nỏ bén giường, đòn gánh gãy giữa đường, …”. Hay bóng bẩy văn hoa như: “ núi Vọng Phu, rồng nọ xa mây, đôi đũa ngọc xa chén kiểu xưa,…”. Hệ thống những hình ảnh này phù hợpvới thị hiếu thẩm mỹ của người bình dân. Họ mượn ngay những cặp hình ảnh, vốn biểu tượng cho sự hòa hợp, sóng đôi, rồi tách chúng ra. Thế là tất cả thành biểu tượng cho cảnh vợ chồng xa cách (tằm – dâu, chiếu – giường, rồng – mây, đũa ngọc – chén kiểu xưa,…)

3.9. Bền lòng chung thủy với chồng:

Sự xa cách bao giờ cũng là thử thách cay nghiệt nhất đối với đôi lứa yêu nhau, với tình chồng vợ. Khi chồng đi xa, một mình vợ ở nhà. Những phụ nữ mặn mà nhan sắc dễ bị người ngoài lui tới. Có kẻ thả lời ong bướm, có kẻ thô lỗ sỗ sàng, có kẻ bạc vàng rủng rỉnh. Người vợ, nếu không vững lòng, sẻ dễ bề sa ngã. Nhưng đã thương chồng, họ thừa nghị lực để phớt lờ cám dỗ. Họ tự dặn mình, cũng là tự thề hẹn, để chồng yên tâm nơi chân trời góc bể:

“Tôi với mình thề trước miếu ông

Sống nằm một chiếu, chết chung một mồ”.

“Thiếp vì chàng mới lênh đênh nơi biển ái,

Chàng vì thiếp mới lỗi đạo tâm can.

Em đây thủ tiết buồng lan,

Dẫu hồn về chín suối, hãy còn mang tượng chồng”.

“Dẫu có nơi mô phụng rước với loan đưa,

Cũng không bằng tình cũ với nghĩa xưa đôi mình”.

“Sóng xao mình vịt ướt lông

Rùa kêu đá nổi thiếp không bỏ chàng”.

“Thủy chung em giữ trọn đời

Chết đi thì chịu, lìa đôi không lìa”.

Âm hưởng những bài ca này vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt. Từ ngữ thật nghiêm trang, dứt khoát: “quyết, thề, dẫu… cũng không…”. Thậm chí, người vợ còn nghĩ đến cái chết để bảo toàn lòng chung thủy.

Nói về lòng chung thuỷ đáng quý ấy, chúng ta càng thương quý hơn những người vợ trẻ không may góa bụa. Chồng chết sớm, họ còn đó tuổi xuân. Mất nơi nương tựa, gánh nặng cửa nhà - con cái trút cả lên bờ vai gầy yếu của họ. Nhưng họ đâu dễ quên chồng, tìm ngay nơi nương tựa khác. Bao giờ, họ cũng nén đau thương, gượng đứng lên, quyết thủ tiết thờ chồng:

“Chồng em sớm thác suối vàng,

Em ở làm ri cho trọn nghĩa khói nhang với chồng.

“Tay cầm nạm nhang, cây tắt, cây đỏ,

Bứt một nạm cỏ, cây héo, cây tươi,

Trước em thờ chồng, sau em nuôi con dại, dầu ai có bạc vàng cũng không”.

Dường như những bài ca về người vợ thủ tiết thờ chồng không bao giờ thiếu vắng hình ảnh khói nhang. Người Việt có tập tục thờ cúng. Nén nhang, đó là làn khói tưởng nhớ người đã khuất. Nó là cầu nối thiêng liêng giữa hai cõi âm dương. Nó là sự tự nhắc nhở của người còn sống, đừng bao giờ quên tình nghĩa, đừng bán rẻ đi phẩm hạnh vô giá của mình.

 

4. NHẬN XÉT CHUNG VỀ BÀI CA NGƯỜI VỢ THƯƠNG CHỒNG:

Chắc rằng, trong kho tàng ca dao – dân ca trữ tình, về hình ảnh người vợ thương chồng, vẫn còn nhiều điều phải khảo sát. Tuy nhiên, bài viết này chưa đề cập hết. Đó là do năng lực có hạn của người viết. Mặt khác, nguồn tư liệu tìm được chưa phong phú lắm. Lại thêm, một số tư liệu đang có, nhưng chưa sử dụng được, bởi người viết chưa tìm ra hệ thống và công thức cấu thành nên chúng.

Dù vậy, tiểu luận trên đây, cũng phần nào, đã cố gắng dựng được chân dung cao đẹp của người phụ nữ bình dân thương chồng. Hình ảnh họ hiện lên thật gần gũi, cảm động, với tinh thần xả kỷ, đức hy sinh – những đức tính quý báu của người phụ nữ Việt Nam. Tìm hiểu hình ảnh này, chúng ta có điều kiện khẳng định thêm vẻ đẹp, vị trí, vai trò của người phụ nữ trong tiến trình phát triển xã hội, trong việc xây dựng nền tảng gia đình của người Việt Nam.

Mặt khác, chúng ta cũng có cơ sở tìm thấy sự tiếp nối, kế thừa giữa hình ảnh người phụ nữ trong ca dao – dân ca trữ tình với hình tượng người phụ nữ trong văn học viết.

Điều lý thú hơn cả, chính là, qua việc khảo sát hình ảnh này, chúng ta phát hiện được một mẫu đề lớn của ca dao – dân ca trữ tình: người vợ thương chồng. Từ mẫu đề này, một hệ thống các công thức chi tiết được lộ diện. Bước đầu, ta có thể khẳng định các công thức chủ yếu sau: từ ngữ  “thiếp- chàng”, “thương chồng”, “theo chồng”, “vì chồng”, các chi tiết nấu ăn, thuốc thang, nhang khói cho chồng,… Các công thức chi tiết này tạo thành một quỹ công thức chung. Mỗi bài ca thuộc mẫu đề này thường xuất hiện hai hay nhiều công thức vừa nêu. Chúng có thể kết hợp với nhau, một cách linh hoạt, đầy biến hóa. Và cứ thế, theo thời gian, những bài ca mới cùng mẫu đề, cứ tiếp tục ra đời.

Về phía người thưởng thức, các công thức vừa tìm được này chính là những “chiếc chìa khóa” giúp mọi người “mở bí mật đặc trưng cấu trúc của bài ca trữ tình dân gian” (theo PGS. TSKH. Bùi Mạnh Nhị).

Thành phố Mỹ Tho, tháng 06 năm 2002

 

š­›

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO:

 

1.     Vũ Dung, (1995), Ca dao trữ tình, NXB Giáo Dục.

2.     Châu Nhiên Khanh, (2000), Ca dao Việt Nam, NXB Đồng Nai.

3.     Bùi Văn Nguyên, (1978), Lịch sử văn học Việt Nam (tập I phần II), NXB Giáo Dục.

4.     Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), (2000), Văn học Việt Nam – VHDG – những công trình nghiên cứu, NXB Giáo Dục.

5.     Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), (2000), Văn học dân gian – những tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo Dục.

6.     Vũ Ngọc Phan, (1998), Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam (in lần thứ 11), NXB KHXH.

7.     Lê Ngọc Trà, (2001), Văn hóa Việt Nam – đặc trưng và cách tiếp cận, NXB Giáo Dục.

 

 

  image002
  

 

 




No comments:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu