Từ thơ chữ Hán Nguyễn Du, hiểu thêm tác giả Truyện Kiều



 

ĐỀ TÀI

 

Từ thơ chữ Hán Nguyễn Du,

hiểu thêm tác giả Truyện Kiều

 

 

"Bất tri tam bách dư niên hậu

 Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"

(Độc Tiểu Thanh ký)

Đó là những vần thơ tột cùng cô đơn của Nguyễn Du - một hồn thơ tài hoa bạc mệnh. Nó vút lên, như lời tiên cảm của người luôn sợ mình phải làm kẻ lữ hành cô độc trên cõi nhân gian. Con người kỳ bí ấy đã phải "lăn lóc trong bùn lầy suốt ba mươi năm"(1), bất ngờ nở tặng cho đời đóa sen rạng rỡ: Truyện Kiều. Hương vị nhân hậu, mát lành của tác phẩm đã được đời sau đón nhận, đặt lên vị trí trang trọng nhất của nền thơ ca dân tộc. Tấm lòng, tư tưởng, khát vọng vượt thời đại của nhà thơ, qua đó, cũng được nhân dân thấu hiểu và giữ gìn. Nhưng kỳ thực, chẳng biết bao giờ ta khám phá hết trữ lượng nhân văn của Truyện Kiều, càng không sao tái hiện đầy đủ số phận, tầm vóc tư tưởng và chiều sâu tâm hồn của Nguyễn Du. Con người phức tạp ấy, với lời trối trăn đầy u uẩn, chỉ hiện hữu thấp thoáng, mờ ảo trong suốt kiệt tác này.

Vậy, liệu có thể tìm đâu, nơi hội tụ đầy đủ nhất, sáng rõ nhất con người tinh thần của Nguyễn Du? May mắn thay, trong nỗ lực tìm lại di sản của đại thi hào dân tộc, các nhà nghiên cứu văn học lần lượt giải mã được bộ phận thơ chữ Hán. Thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng phức tạp như chính con người Nguyễn Du. Tuy nhiên, khi soi rọi chúng dưới ánh sáng của thi pháp học, các nhà học thuật sững sờ tìm thấy một khúc xạ khá hoàn hảo, chân thực về toàn bộ tâm sự, tư tưởng và khát vọng của Nguyễn Du. Không chỉ phục hiện sống động thể phách lẫn tinh anh một con – người - thi - ca, những thành quả đó còn góp phần mở rộng biên độ lý giải về một số khía cạnh nội dung, nghệ thuật đặc sắc của Truyện Kiều.

Bản thân người viết may mắn được học tập chuyên đề Thơ chữ Hán Nguyễn Du, nhìn từ góc độ thi pháp của tiến sĩ Lê Thu Yến. Trong quá trình lĩnh hội chuyên đề, chúng tôi hết sức tâm đắc khi được hiểu thêm diện mạo tinh thần của Nguyễn Du – người đã kiến tạo thế giới hình tượng phong phú và mới lạ cho kiệt tác Truyện Kiều.

Bằng những gì thu hoạch được, chúng tôi quay về đọc lại Truyện Kiều để thử lý giải: động lực, điểm tựa tinh thần nào giúp tác giả viết nên những vần thơ triết lý sâu sắc và dựng nên những hình tượng nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm? Do vậy, những điều tâm đắc của chúng tôi xin được xoay quanh nội dung: từ thơ chữ Hán Nguyễn Du, hiểu thêm tác giả Truyện Kiều.

 

***

 

Trước đây, phần đông chúng tôi, những giáo viên bậc trung học phổ thông, vẫn tự bằng lòng với hiểu biết rằng, Truyện Kiều là phần anh hoa phát tiết của đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều người tưởng chừng, chỉ cần Truyện Kiều, thêm nữa là Văn chiêu hồn, Nguyễn Du đã đủ sừng sững và thành pha lê trong suốt, qua sự ngưỡng mộ và thấu hiểu của người đọc. Vì hoàn cảnh giảng dạy, nếu đọc thêm thơ chữ Hán, chúng tôi cũng chỉ quan tâm đến bài Độc Tiểu Thanh ký. Nghĩa là, chúng tôi tự huyễn hoặc rằng, mình đã hiểu hết Nguyễn Du: một nho sĩ – thi nhân tài hoa, một nhà nhân đạo chủ nghĩa, đặc biệt ưu ái những kiếp hồng nhan bạc mệnh,… Vẫn biết Nguyễn Du còn nhiều tâm sự u uẩn, nhưng chúng tôi cả nghĩ, làm sao hy vọng biết thêm gì, khi tác giả đã đi vào cõi lặng yên, qua cả hai thế kỷ.

Nhưng điều không thể ngờ, Nguyễn Du vẫn còn phần ngọc trong đá, một báu vật tùy thân, từng bị chôn vùi trong cát bụi thời gian và sự hững hờ của người đọc. Đó chính là thơ chữ Hán. Nó như phần nhật thực của một tâm hồn cô đơn suốt hai thế kỷ. Nó kết tinh nguyên chất những tư tưởng lớn, tài năng kiệt xuất, vượt tầm thời đại, của một nhà nhân văn chủ nghĩa. Nó ghi lại sống động từng chặng đường đời đầy sóng gió của nhà thơ.

Được khai mở thêm khoảng trời tìm hiểu Nguyễn Du, chúng tôi càng hiểu rõ nỗi phong vận kỳ oan và lý giải được nguyên nhân giúp Nguyễn Du kiến tạo thành công những tình tiết, những hình tượng thơ, làm kinh ngạc và say đắm lòng người.

 

***

Trên con tàu nghiêng ngả của chế độ phong kiến thế kỷ XVIII – XIX, Nguyễn Du là một nhà Nho. Mặc bao kẻ sợ hãi nguyện cầu, bao người căm thù nổi loạn, Nguyễn Du vẫn cố níu giữ mối dây nghĩa vụ và trách nhiệm nhà Nho. Ông vẫn trung thành với lối đi xưa cũ đã hằn sâu trên hải đồ Nho giáo. Những Nhân - Nghĩa – Lễ - Trí  - Tín, rồi trung quân, ái quốc,… vẫn còn là chuẩn mực phấn đấu của đời ông. Thời tuổi trẻ, ông khao khát công danh, luôn mong được đền ơn vua, cứu dân, giúp nước. Cả khi thất cơ lỡ vận, ông vẫn cố giữ gìn sĩ diện nhà nho.

Trên hành trình văn học trung đại, Nguyễn Du vẫn thuộc dòng thơ Nho. Dù thời cuộc đảo điên, giá trị xưa đảo lộn, ông vẫn tự dặn lòng, cố giữ lại tấm nệm xanh của dòng dõi học nho (3). Ông nồng nhiệt ngợi ca những tấm gương hiếu thảo, thủy chung, trung thần nghĩa sĩ. Ông lên án bọn tiểu nhân, hãm hại người trung nghĩa,… Là nhà thơ Nho, được đào tạo từ khoa cử, Nguyễn Du hẳn phải xem thơ ca là nơi bộc lộ Tâm, Chí, Khí, Thần của con người. Và, chỉ có thơ chữ Hán, trong thời buổi Hán học cực thịnh, mới là nơi phản chiếu được toàn bộ giá trị tinh thần của kẻ sĩ. Do vậy, ta hiểu vì sao, dù Truyện Kiều là đỉnh cao của mảng thơ Nôm nhưng nhà thơ cũng chỉ xem đó là: "Lời quê chắp nhặt dông dài".

Là nhà nho, thuộc dòng thơ Nho, những tưởng Nguyễn Du sẽ biến thơ chữ Hán thành nơi giảng rao giáo lý, còn chủ thể trữ tình trong thơ cũng chỉ là mẫu nhà nho đầy định kiến cũ xưa. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du vẫn hiện lên dáng nét của con người nhà nho, tuy nhiên, đã bộc lộ những chuyển động khác thường về tư tưởng, đã biểu hiện sắc vóc, thần khí của một con người cá nhân, luôn dằn vặt trong mâu thuẫn, đau đớn trong bi kịch, nhiều phen đối lập với vũ trụ,…

Thơ chữ Hán Nguyễn Du thật sự phát lên tín hiệu ra đời của con người hiện đại, con người có ý thức cá nhân, trong lòng một chế độ phong kiến đang hồi rạn vỡ.

 

***

 

Khi nghiền ngẫm Truyện Kiều, tôi từng bị ám ảnh bởi những câu thơ trĩu nặng suy tư về thân phận con người:

 "Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh"

 "Biết thân chạy chẳng khỏi trời"

 "Thân sao, thân đến thế này?

 "Thương thay, cũng một thân người!

"Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân"

"Biết thân chạy chẳng khỏi trời,

Cũng liều mặt phấn, cho rồi ngày xanh"

"Phong trần, kiếp đã chịu đày"

 "Xót thay chiếc lá bơ vơ,

Kiếp trần, biết giũ bao giờ cho xong?"

 "Đã đày vào kiếp phong trần,

Sao cho sỉ nhục một lần mà thôi"

………………

Đó là thân phận của một Thúy Kiều, hay cũng là của Nguyễn Du và của bao con người trên thế gian này? Vì sao nhà thơ hay triết lý về kiếp người đến vậy? Làm sao giữa thời đại mà Nho giáo giữ địa vị chính thống, Nguyễn Du lại đặc biệt quan tâm đến số phận con người cá nhân một cách day dứt, nhói lòng đến vậy? Tư tưởng Nho giáo triệt tiêu tư cách con người cá nhân, mọi người đều chỉ còn biết tuân thủ theo nghĩa vụ và trách nhiệm. Vậy, động lực nào đã thôi thúc Nguyễn Du viết về những thân những kiếp chịu đọa đày trên dương thế? Tìm lại tiểu sử tác giả, tôi chỉ có thể suy đoán rằng, chính nhờ mười năm lưu lạc, sống giữa lê dân cùng khổ, nhà thơ gốc quý tộc ấy mới có cơ hội thấu hiểu và đồng cảm với cảnh khổ của con người.

Tuy nhiên, khi được thâm nhập vào thơ chữ Hán Nguyễn Du, tôi mới thực sự tìm ra lời giải đáp: nhà thơ viết thật thấm thía về kiếp người, bởi ông đã viết từ nước mắt cả đời mình - một số phận thăng trầm, đầy đắng cay, tủi nhục. Thơ chữ Hán chính là nơi giúp ông giãi bày mọi khổ đau và bất hạnh. Nó tập trung qua hình tượng một con người đầy âu lo.

Vòng xoay một kiếp người, với Sinh – Lão– Bệnh – Tử, vốn nằm trong giáo lý nhà Phật, không ngờ lại thành nỗi ám ảnh và âu lo triền miên đối với một nhà nho nhập thế. Nguyễn Du nghĩ về kiếp phù sinh, không phải từ một lý thuyết cao đạo nào, mà bằng chính trải nghiệm của bản thân. Từ tột đỉnh cao sang, rơi xuống tận cùng khốn khổ, nhà thơ nghẹn ngào thương thân, rồi ngơ ngác nhìn thời cuộc. Cảnh hoàng hôn thế kỷ (4) khiến người càng trông thấy mà đau đớn lòng. Con người lặng im, vô ngôn ấy nhiều phen đắùng cay, tủi hổ vì phải sống lê la như hành khất:

"Rét sớm mới biết cái khổ không áo"

(Thu dạ II)

 "Không dè đói rét phải nhận lòng thương hại của người"

(Khất thực)

Đã đói nghèo, lại thêm bệnh tật, Nguyễn Du thường xuyên chịu cảnh ốm đau. Tấm thân sáu thước càng tiều tụy vì bệnh tật dày vò. Bệnh thể xác thì không thuốc uống, bệnh tinh thần lại mãi trầm kha. Từ tâm sầu thành ra tâm bệnh, Nguyễn Du than thở cho tình cảnh vô vọng của mình:

"Biết tìm đâu thuốc tiên luyện chín lần"

(Ngọa bệnh)

Căn bệnh tinh thần khiến nhà thơ suy sụp, tuổi chưa cao mà đầu đã bạc. Con người yếm thế ấy dễ buồn mà lại cứ hay soi gương:

"Soi gương mày râu xem ra đã già rồi"

(Lạng sơn đạo trung)

 Càng nhìn càng chán ngán, vì nhận ra tuổi già đã phơ phất trên đầu. Mái tóc bạc như trêu ngươi. Sự nghiệp dở dang, ước mơ còn ấp ủ, vậy mà tuổi già đã xồng xộc đến. Nguyễn Du chua xót, hốt hoảng trước sự ngắn ngủi và bất lực của đời người:

 "Già đến, tóc bạc, ngươi thật đáng thương"

(Thu dạ I)

"Sáng nay chợt kinh sợ cho tuổi già"

(Thu nhật ký hứng)

 "Bạc đầu nơi đất khách, già nhưng chưa chết"

(Đề Nhị Thanh động)

Con người nghĩ đến tuổi già tức là đã tự dự cảm về cái chết. Thơ Nguyễn Du luôn có nỗi ám ảnh về cái chết, nhưng hình như không hề có cái chết kiểu "gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao". Thời đại không cho Nguyễn Du chết như một anh hùng chăng? Dường như nhà thơ chỉ quan tâm đến cái chết của con người, trong thân phận cá nhân. Tạo hóa cho con người sinh mệnh làm chi, rồi khiến con người bị đọa đày khổ ải, chớp mắt đã gặp tuổi già. Và, ở tận cùng kiếp phù sinh đó, con người sẽ đi về đâu, sẽ còn lại chút gì? Đã có lần, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du giải thích:

"Thác là thể phách, còn là tinh anh"

Tuy nhiên, trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du lại xem cái chết là điểm dừng cuối cùng của bao số kiếp trong cõi người ta. Nhà thơ không bị cuốn theo vòng xe luân hồi của nhà Phật để tìm đến kiếp sau. Khi sắp chạm phải cái chết, nhà thơ lập tức quay về sự sống, để lại thiết tha yêu cuộc sống, để ao ước tận hưởng những niềm vui bình dị nhất của con người:

"Lúc sống không uống cạn rượu trong bầu,

  Thì chết rồi, ai tưới chén rượu trên mồ?"

(Đối tửu)

Nghĩ về cái chết để lại quay về sự sống – điều ấy tưởng chừng là nghịch lý. Nhưng nó mới chính là biểu hiện biện chứng của một tâm hồn nhân văn, luôn lấy con người, cõi người làm bản vị (5).

Bước đầu, có thể thấy, những vần thơ triết lý về thân phận con người trong Truyện Kiều thực sự là những trải nghiệm của chính cuộc đời Nguyễn Du. Nhà thơ, vì quá yêu quý sự sống, quá gắn bó với con người và cõi đời mà thành ra âu lo, băn khoăn, trăn trở; thành ra xót xa, cay đắng cho nỗi thống khổ của bao kiếp người trên thế gian này.

 

***

 

Lần theo câu chuyện nàng Kiều, tôi còn bắt gặp những vần thơ đáng giật mình về sự sâu hiểm của lòng người:

 "Cùng đường dù tính chữ tòng

Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao"

"Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường"

"Có đâu mà lại ra người hiểm sâu"

"Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không dao"

…………………

Những vần thơ ấy neo lại trong tôi thành câu hỏi. Vì sao một hồn thơ vốn yêu thương, tin tưởng vào phẩm chất, giá trị con người lại có thể hoài nghi lòng dạ con người đến vậy? Trên đường danh vọng, Nguyễn Du đâu có cái chói chang, sừng sững như Ức Trai ngày xưa, đến nỗi bị lòng người hờn ghen, hãm hại? Nguyễn Du cũng đâu phải dạng bon chen vụ lợi, mà phải luôn hoài nghi, đố kỵ người đời? Hay đơn giản chỉ vì nương theo Kim Vân Kiều truyện, nhà thơ buộc phải tả đến những kẻ ăn ở hai lòng, tâm địa hiểm sâu? Nếu thật vậy, sao Nguyễn Du không khắc họa hẳn kiểu tính cách trung - nịnh rạch ròi, như trong nghệ thuật sân khấu. Đằng này, nhà thơ lại triết lý như chính nỗi chua xót của một nạn nhân từng bị người hãm hại. Vì sao?

Câu hỏi ấy đeo đẳng tôi cho đến nay, khi đã phần nào hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du. Thì ra, trong cuộc sống, Nguyễn Du cũng luôn phải đối phó, lo âu, sợ hãi trước sự quanh co sâu thẳm của lòng người. Sống giữa thời đại đầy chấn động sạt lở, mỗi cá nhân đều bị chuyển mình. Phần đông, để giữ gìn mạng sống, hoặc để lợi dụng thời cơ, ai nấy đều cố tạo cho mình một gương mặt giả. Họ tự thủ thân và sinh ra hoài nghi tất cả. Tinh tế, nhạy cảm và hiểu đời, Nguyễn Du đành phải dè dặt với lòng người phức tạp. Qua những điều trông thấy ghê gớm ở chốn quan trường, Nguyễn Du trở nên sợ hãi con người:

"Đời loạn, muốn bảo toàn sinh mệnh, từ lâu phải sợ người"

(U cư I)

Sợ lòng dạ người, nhà thơ sợ từ bọn đầy tớ, lính hầu (Ngẫu đắc), sợ đến con oanh trong vườn thượng uyển (Tống nhân), sợ luôn dì gió chua ngoa (Ngẫu thư công quán bích II),…

Không là kẻ xu thời, không nịnh hót, không tham danh, nhưng nhà thơ chưa đủ dũng khí để đối kháng với số đông sống hai lòng, hai mặt. Bởi còn vướng víu trong hoạn lộ, nhà thơ đành phải tập cười khóc theo người:

"Trong trường danh lợi, nhiều khi phải cười và nhăn mày"

(Xuân tiêu lữ thứ)

Sợ lòng người đến nỗi, đôi lúc, Nguyễn Du tiêu ma cả uy phong, hùng khí:

"Không bệnh mà lưng cứ khom khom".

(Thu chí)

Đó không phải cái khom lưng luồn cúi. Đó chỉ là sự nhún mình, ngại đụng chạm, không muốn thành cái gai trong mắt người đố kỵ. Ta cũng không nỡ buộc nhà thơ phải ngẩng đầu, cứng cỏi. Bởi, thời đại bấy giờ đâu dễ dung nạp những bậc anh hùng, đâu có chỗ cho những cây tùng cây bách. Không biến cải được lòng người, nhà thơ chỉ còn biết than vãn, lo sợ, đề phòng trước lòng người nham hiểm, quanh co.

Như vậy, trong Truyện Kiều, những vần thơ viết về lòng dạ Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư,… không hề là cách nói suông theo Kim Vân Kiều truyện. Nó thực sự là những đúc kết, đầy chua chát và kinh hãi, của chính nhà thơ về lòng dạ con người, nhất là của những kẻ đang vây lấy thân phận cô đơn yếu ớt của mình trong đời thực.

 

***

 

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khắc họa thần tình nhiều hình tượng con người. Đó là một nàng Kiều hồng nhan bạc mệnh: "Khi sao phong gấm rủ là, Giờ sao tan tác như hoa giữa đường". Đó là một Kim Trọng "vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa". Đó là một Hoạn Thư ghen tuông đến mức "đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan", là một Sở Khanh "lẩm nhẩm gật đầu", một Tú Bà "ăn gì to lớn đẫy đà làm sao",…

Thế giới nhân vật ấy như được đắp cốt thổi hồn từ chính thân phận Nguyễn Du (Thúy Kiều), từ nết phong nhã hào hoa của tác giả (Kim Trọng), từ thực tế cuộc sống nhiều đảo điên, giả trá (Hoạn Thư, Sở Khanh, Tú Bà,…).

Đặc biệt, sừng sững chiếm một góc trời trong tác phẩm chính là nhân vật Từ Hải – người anh hùng chí lớn. Từ Hải như vầng hào quang rực rỡ, hiện ra từ một giấc mơ lãng mạn nào:

"Rằng: Từ là đấng anh hùng,

Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng biển khơi"

"Một tay gây dựng cơ đồ

Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành"

 "Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa, lên đàng thẳng dong"

………………

Đây quả là sự sáng tạo độc đáo của nhà thơ. Bởi, Từ Hải trong Kim Vân Kiều truyện (6) chỉ là anh chàng mổ lợn, rồi kết bè đảng thành tướng cướp. Còn ở đây, Từ Hải thật sự là một đấng anh hùng, đến triều đình cũng phải e dè, nể sợ. Sự sáng tạo này chứng tỏ Nguyễn Du đã dành những tình cảm đẹp nhất cho kiểu anh hùng dấn thân vì nghiệp lớn. Nhưng nguyên mẫu của Từ Hải là ai, trong đời thực? Phải chăng là người anh hùng áo vải cờ đào - Nguyễn Huệ? Nhưng ngoài đời, Nguyễn Du từng có ý định chống Tây Sơn, đến nỗi bị bắt giam kia mà? Hay đó chính là hình ảnh Nguyễn Du? Nhưng ngoài đời, tác giả chỉ là một nho sĩ, một thi nhân ốm yếu, đau buồn thôi mà?

Và rồi, hình tượng con người lẫm liệt ấy lại sụp đổ cơ nghiệp trong phút chốc. Từ Hải chịu quy phục triều đình, đến nỗi phải chôn chân chết đứng: "Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn !". Cái chết ấy thật bất ngờ, tức tửi. Vì sao nhà thơ nỡ lòng cho đấng anh hùng một kết cục tối tăm và bi thảm đến vậy?

Bấy nhiêu băn khoăn đó chỉ được giải tỏa, khi tôi lĩnh hội phần thơ chữ Hán Nguyễn Du. Thì ra, trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du còn là một con người lãng mạn. Trong nhiều tác phẩm, Nguyễn Du trực tiếp bộc lộ Tâm – Chí – Khí của mình. Đó là một chủ thể trữ tình ít khi an phận, lúc nào cũng rạo rực, ước mơ làm chim bằng cỡi gió, vượt lên chín tầng mây. Lớn lên trong thời loạn, con người ấy càng xông xáo dấn thân, khát khao dựng nghiệp trên đường cung kiếm. Thanh kiếm bên mình trở thành vật chứng cho khí phách vá trời lấp bể:

"Kiếm dài đeo lưng trước gió thu"

(Ký hữu)

 "Kiếm dài ngạo nghễ hiên ngang như tựa trời xanh"

(Khất thực)

Hình ảnh một Nguyễn Du - tráng sĩ hiện lên thật uy nghi, lẫm liệt. Cũng trong thơ, đã biết bao lần, Nguyễn Du tỏ bày hùng khí: tấm lòng hùng tráng (Tạp ngâm), hùng tâm tráng chí (Tạp thi, Khai song),… Nguyễn Du tự cho mình là kẻ cuồng phóng (Từ Châu đạo trung), mình là kẻ có tài (Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch),… Ngoài đời, Nguyễn Du quả có thời gian nhận chức quan võ từ người cha nuôi. Nếu chỉ qua tiểu sử, ta cứ ngỡ, nghiệp võ là chuyện chẳng đặng đừng của nhà thơ. Hóa ra, Nguyễn Du đã từng ấp ủ, đeo đuổi, ngay từ thời tuổi trẻ, ước mơ làm tráng sĩ. Có lẽ, thời thế nghiệt ngã không cho Nguyễn Du thực hiện giấc mộng hào hùng, nên nhà thơ đành nhờ thơ ca giữ giùm ngọn lửa. Theo đó, nguyên mẫu tướng cướp đương nhiên phải được thay bằng một đấng anh hùng. Có thể xem chăng, Từ Hải chính là bóng dáng con người hùng tâm tráng chí của Nguyễn Du ngoài đời thực?

Còn vì sao Nguyễn Du lại để người anh hùng sa cơ, chết trong bi đát? Có người cho rằng, vì Nguyễn Du là một nhà nho chính thống. Ông không thể để một kẻ nổi loạn như Tây Sơn Nguyễn Huệ lấn át và giật sập được ngai vàng phong kiến. Chắc hẳn có một phần nguyên nhân đó! Nhưng điều sáng rõ hơn là Nguyễn Du phải tự đau đớn bóp chết phần mơ ước đẹp nhất của đời mình. Có hùng tâm tráng chí, nhưng thời thế u ám buộc nhà thơ phải thường xuyên lâm bệnh, sớm gặp tuổi già. Càng khát khao, nhà thơ càng rơi vào hụt hẫng và bất lực:

"Tấm lòng hùng tráng lụi tàn làm cây đoản kiếm thành vô dụng"

(Tạp ngâm)

"Tóc bạc rồi, dù còn có hùng tâm chỉ còn biết than thở"

(Khai song)

Thật đáng buồn! Gươm sắc để làm gì, khi công danh chưa thành mà đầu đã bạc: "Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên". Muốn làm nên nghiệp lớn, nhưng biết phò ai? Ai minh quân, ai loạn đảng? Vòng xoay chóng mặt của thời cuộc khiến nhà thơ mất phương hướng và ngơ ngác. Chống Tây Sơn là theo nếp nghĩ nhà nho. Nhưng ủng hộ Tây Sơn thì giũ sạch một đời học theo cửa Khổng. Con người lãng mạn của Nguyễn Du đã tự rơi vào mâu thuẫn, đã tự làm cùn nhụt đi lưỡi kiếm của mình.

Có lẽ tâm trạng nầy đã xâm chiếm cả nguồn cảm hứng và dự tưởng của nhà thơ, khi xây dựng người anh hùng Từ Hải. Không cho phép ai đảo ngược tôn ti trật tự trong lòng chế độ phong kiến, Nguyễn Du cũng không dám cho khát vọng của mình thẳng cánh bay cao. Về điều này, hẳn là Nguyễn Du kém phần bay bổng, so với Nguyễn Đình Chiểu – người xây dựng nhân vật Lục Vân Tiên(7) sau này.

 

***

 

Còn bao điều tâm đắc nữa, sau khi tôi được học chuyên đề Thơ chữ Hán Nguyễn Du – nhìn từ góc độ thi pháp. Có thể kể, đó là hình ảnh con người đau khổ của Nguyễn Du; đó là vấn đề không gian, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm; là ngôn ngữ nghệ thuật thơ của tác giả,… Tuy nhiên, để chỉ tập trung vào vấn đề chính do mình đặt ra, chúng tôi xin được khép lại bài viết nơi đây.

Điều thu hoạch thiết thực nhất của chúng tôi, sau khi học chuyên đề này, chính là bản thân được hiểu sâu sắc, cụ thể hơn về thế giới tâm hồn và tư tưởng lớn lao của Nguyễn Du. Chúng tôi phần nào đã lý giải được nguồn động lực ẩn kín giúp nhà thơ viết nên Truyện Kiều, với những vần thơ, những hình tượng con người có sức ám ảnh lớn, làm say đắm lòng người.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du – viên ngọc trong đá – giờ đây đã lộ ra chất ngọc. Nguyễn Du, trong tình cảm của người hôm nay, chính là một nhà nhân đạo chủ nghĩa, là một con người hiện đại, mang trong lòng cả phần lo âu và phần lãng mạn. Chúng tôi hy vọng, từ nội dung chuyên đề đã học, bản thân và đồng nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ duyên, để tiếp tục khám phá những vẻ đẹp còn phong kín trong kiệt tác Truyện Kiều.

 

Mỹ Tho, tháng 02 năm 2003.

 

 

š­

 

 

 

 



(1) Thơ Nguyễn Du (Khất thực).

(3) Thơ Nguyễn Du: "Tấm nệm xanh là vật cũ, phải khó nhọc mà giữ gìn" (Khai song). Người ta mượn tích xưa để chỉ thanh chiên là dòng dõi học nho.

 

(4) Thơ Huy Cận (Các vị La Hán chùa Tây Phương).

(5) Theo Đặng Thai Mai.

(6) Tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du dựa vào tác phẩm này để viết Truyện Kiều.

(7) Trong truyện thơ cùng tên. Nhân vật chính mang bóng dáng cuộc đời tác giả.




No comments:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu