LÝ THUYẾT KỊCH NÓI HIỆN ĐẠI



 

Tiểu luận:

 

LÝ THUYẾT KỊCH NÓI HIỆN ĐẠI

 

 


 ĐỀ TÀI:

 

Tìm hiểu

hứng thú xem kịch.

 

 

 

 

Là một thể loại lớn của văn học, đồng thời là một ngành nghệ thuật sân khấu, kịch chỉ mới làm quen với công chúng Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Một trăm năm qua, ở Việt Nam, kịch từng bước vươn đến trình độ hiện đại, có những thành tựu nhảy vọt. Kịch trở nên quen thuộc trong đời sống tinh thần mỗi người chúng ta. Ai ai cũng tìm thấy hứng thú, những khoái cảm thẩm mỹ, khi xem kịch. Nguồn hứng thú ấy không phải ngẫu nhiên mà có. Nó mang đến cho ta, từ đặc trưng, thế mạnh đặc thù của thể loại, đồng thời cũng do chính những nhu cầu, sở thích của chúng ta, được kịch đáp ứng kịp thời và hiệu quả..

 

***

 

Trước khi tìm hiểu hứng thú xem kịch, chúng ta nhớ lại vài đặc điểm, đặc trưng của loại hình đặc biệt này.

So với nhiều loại hình nghệ thuật, kịch hiện diện rất sớm, theo cùng tiến trình phát triển của xã hội loài người. Nếu theo nghĩa đơn giản, kịch là cách thức để con người tái hiện lại đời sống, thì nó đã ra đời từ khi con người biết dùng chính thân thể của mình để diễn lại, làm lại những hành động đã xảy ra. Người lớn truyền kinh nghiệm cho trẻ con bằng cách giả bộ từng động tác đánh lửa, ném lao, leo trèo,... Người này thông tin cho người khác, về một sự biến nào đó, bằng cách nhại lại điệu bộ, lời nói của những người trong cuộc. Đứa trẻ mang giày người lớn, đi đứng nói năng trước gương, hệt như người lớn, chính là muốn tưởng tượng mình thành người lớn. Một người cha tức cười vì hành động dại dột của con nhưng lại ra vẻ nghiêm khắc để răn dạy con,... Những hành động ấy là biểu hiện đầu tiên, đơn giản nhất của kịch. Nó chứng tỏ, kịch ra đời từ nhu cầu thiết yếu của đời sống. Về sau, con người muốn đời sống được tái hiện lại cho nhiều người xem, một cách có tổ chức, có bài bản, có nghệ thuật, thông qua những tài năng diễn xuất. Khi đó, kịch mới chính thức trở thành một loại hình nghệ thuật. Phần ngôn từ của nó, được gọi là kịch bản, là một loại hình lớn của văn học.

Kịch chú trọng tái hiện lại những xung đột trong đời sống xã hội, nhất là xung đột giữa các hệ ý thức đối kháng. Nó phản ánh các xung đột ấy thông qua hành động và đối thoại của các nhân vật. Ngay những xung đột trong bản thân ý thức một con người cũng được kịch hình tượng hóa bằng hai nhân vật: thiện và ác. Lúc này, kịch chính là đời sống đã được mỹ hóa, đạo đức hóa, chuẩn hóa, xã giao hóa,...

Về phương diện sân khấu, kịch khác với múa ba lê, xiếc, tuồng,... ở chỗ, nó rất gần với đời sống. Người diễn kịch trang điểm, ăn mặc, đi đứng, nói năng,... chẳng khác con người ngoài đời. Người xem kịch tưởng đang chứng kiến một phần cuộc sống quanh mình. Tuy nhiên, kịch vẫn là nghệ thuật, nên những diễn viên tồi thường gây ra ngộ nhận cho người xem: nhầm lẫn nghệ thuật và cuộc đời. Phương Tây đã có giai thoại về vở kịch Ôtenlô của Sêcxpia. Nam diễn viên đóng vai Ôtenlô, vì diễn cảnh giết nàng Đéxđêmôna hệt như thật nên đã bị một khán giả quá khích rút súng, bắn chết ngay trên sân khấu. Khán giả này, sau đó, quay súng bắn vào đầu mình, tự sát. Còn chuyện nước ta, thời kháng chiến, ở nông thôn miền Bắc, một đoàn kịch diễn đến cảnh các bác nông dân ngồi bàn luận vừa hút thuốc lào, bỗng nhiên, một lão nông điềm nhiên lên sân khấu, mượn điếu cày, ngồi vắt chân chữ ngũ, rồi mồi thuốc, khoan khoái rít một hơi dài. Gạt qua vấn đề tài năng diễn xuất, những trường đoạn kịch ấy càng chứng tỏ, kịch gắn liền đời sống, kịch chính là đời sống.

 

***

Một vở kịch đúng nghĩa, đúng đặc trưng của nó, trước hết phải có kịch bản văn học, đồng thời có thể diễn được trên sân khấu. Vở kịch phải luôn chứa kịch tính. Vấn đề đặt ra trong kịch phải thật cô đọng và có sức khái quát cao, nghĩa là nó phải có giá trị biểu diễn. Kịch không cho phép soạn giả, đạo diễn lộ diện trong vở kịch. Mọi vấn đề trong vở diễn phải được thể hiện như chính quy luật của đời sống, qua sự nhập vai của diễn viên, chứ không thể tùy thuộc vào sự lý giải chủ quan của họ. Bản thân vở kịch phải có tính hành động. Kịch không cho phép thời gian chết, nhân vật thừa trên sân khấu. Ngôn ngữ kịch phải ghi lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Chúng phải lưu lại được trong trí nhớ của họ, sau khi vở diễn kết thúc.

Những yếu tố trên gián tiếp góp phần tạo ra hứng thú cho người xem kịch.

 

***

 

Mỗi vở kịch, khi diễn trên sân khấu, đều tạo nên sức hấp dẫn khác nhau cho người xem. Có vở khiến người xem háo hức, từ khi mới nghe nội dung câu chuyện. Có vở chỉ lôi cuốn mọi người, khi diễn viên bắt đầu vai diễn của mình. Có vở gây nên chấn động mạnh tinh thần cho khán giả, cả sau khi tấm màn nhung khép lại. Sách vở còn nhắc không khí của nhà hát Đức, thế kỷ XVIII, khi vở kịch Âm mưu và ái tình của Sile vừa kết thúc: "Nhà hát giống như một nhà thương điên. Những cặp mắt trợn tròn, những bàn tay nắm chặt, những tiếng la hét! Những người không quen biết nhau nức nở ôm lấy nhau. Phụ nữ gần như ngất đi, chuệnh choạng bước ra cửa..."(*)

Có trường hợp, cùng một vở kịch, nhưng đội ngũ diễn viên khác nhau sẽ thu hút người xem ở mức độ khác nhau. Ở miền Nam, bao giờ đoàn kịch nói Kim Cương công diễn, rạp hát cũng đều chật cứng người xem. Dù thưởng thức rồi nhưng khi vở kịch được phát lại trên tivi, khán giả vẫn hồi hộp đón xem lần nữa.

Vậy, kịch đã hấp dẫn người xem bằng chính cái gì?

Trước hết, nó hấp dẫn người xem bằng chính con người, qua các diễn viên cụ thể. Dùng con người, kịch tác động trực tiếp vào con người. Khi bước ra sân khấu, diễn viên quên con người thật của mình, để nhập vào một vai khác. Diễn viên dùng chính thân thể, dáng điệu, vẻ mặt của mình, để biểu hiện tính cách, nội tâm nhân vật mà mình nhập vai. Khán giả miền Nam mê diễn viên Ba Vân, Diệp Lang, qua các vai ông già nông dân Nam bộ bộc trực, nghĩa tình. Họ ngưỡng mộ bà Bảy Nam, trong vai các bà mẹ tuổi thất thập nhưng còn gánh chịu khổ đau, nghèo cực. Họ yêu thích Ngọc Giàu, trong vai những phụ nữ nhiệt tình, sôi nổi, hồn nhiên, khí khái. Họ cùng khóc, cùng cười với Kim Cương, trong các vai người vợ, người mẹ trẻ sớm chịu thiệt thòi, bị đời ruồng rẫy,... Không có các diễn viên ấy, vở kịch như thiếu đi sức sống và cái hồn, cái thần của nó. Điều này minh chứng, kịch hấp dẫn người xem bằng chính con người trên sân khấu.

Mặt khác, kịch hấp dẫn người xem bằng hành động của nhân vật (phân biệt với hành động của diễn viên). Nó bao gồm hành động cử chỉhành động ngôn ngữ (trong kịch, ngôn ngữ được xem là một loại hành động). Dù là tái hiện đời sống nhưng mỗi loại nhân vật đều phải được soạn giả và đạo diễn cân nhắc, lựa chọn từng hành động một. Kịch không chấp nhận hành động thừa. Mỗi động tác vung tay, nhíu mày, cười, khóc, quay lưng,... của nhân vật đều phải liên quan đến xung đột chính của vở kịch, góp phần vào cái lõi xuyên suốt tác phẩm (lúc này, nó được gọi là hành động xuyên). Sự chênh nhau về trình độ của các đạo diễn, sự phân hóa thứ hạng các đoàn kịch nói, các diễn viên,... tùy thuộc rất nhiều vào tài năng sử dụng, điều tiết và phân bố các loại hành động này, của họ, trong từng vở kịch.

Một vở kịch hay, hấp dẫn luôn có sự phát huy, kết hợp nhiều hành động ngôn ngữ khác nhau. Đó là ngôn ngữ đối thoại, giữa hai (hay nhiều) nhân vật. Đó là ngôn ngữ độc thoại, nhân vật tự  tranh luận với chính mình, tự tưởng tượng và suy nghĩ. Đôi khi, đó còn là ngôn ngữ bàng thoại, một người dẫn chuyện đứng ngoài, thỉnh thoảng thuyết minh, bình luận thêm về các xung đột, các nhân vật,... Những hành động ngôn ngữ này giúp người xem nhận ra tính cách nhân vật, xung đột kịch, theo dõi được xuyên suốt đường dây câu chuyện.

Ngoài ra, kịch còn tạo hấp dẫn bằng chính cốt truyện kịch. Sức lôi cuốn của một vở kịch bộc lộ ngay từ khâu kịch bản. Cốt truyện kịch hay phải có nhiều tình tiết gay cấn, nhiều xung đột, nhiều sự biến. Thực tế cho thấy, các soạn giả thành công thường cũng là các nhà văn, nhà thơ tài năng: Đào Hồng Cẩm, Nguyễn Vũ, Lưu Quang Vũ, Kim Cương, Ngọc Linh,... Nhiều vở kịch của họ, cho dù mới, hoặc đã diễn cách đây mấy thập niên, nay vẫn còn được khán giả nhắc đến, kể lại cốt truyện cho nhau nghe. Đó là Nổi gió (Đào Hồng Cẩm), Đâu có giặc là ta cứ đi (Nguyễn Vũ), là Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý (Lưu Quang Vũ), hay Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo (Kim Cương), Đất lở (Ngọc Linh), Dạ cổ hoài lang (Thanh Hoàng),...

Như vậy, sức mạnh của kịch nằm ở chỗ, nó dùng chính con người để tác động vào con người. Nó lấy hành động kịch, cốt truyện kịch làm nam châm, thu hút tình cảm say mê của người xem.

 

***

 

Ở góc độ kịch bản, dù được đăng báo hay in thành sách, kịch vẫn chưa gây chú ý mấy đối với đông đảo quần chúng. Nhưng với tư cách vở diễn, được dàn dựng trên sân khấu, kịch có khả năng lôi cuốn hàng ngàn người, từ trẻ đến già, từ thợ thủ công đến trí thức,... Tất cả đều tự giác thu xếp công việc, thời gian, đến đúng một nơi, kịp cùng một lúc, để thưởng thức trọn vẹn vở kịch. Khán giả của kịch luôn là đám đông. Tình cảm của khán giả, trong lúc xem kịch, luôn mang tính chất lây lan. Khi gặp chi tiết hài, họ cùng cười ồ, cười khúc khích, cười nghiêng ngả. Đến chỗ kịch tính căng thẳng, họ cùng nín thở, hồi hộp, theo dõi từng cử động của diễn viên. Sang cảnh sầu bi, có người ôm mặt, có kẻ sụt sùi, có người len lén lau nước mắt. Đến khi rời khỏi rạp hát, mọi người còn bàn tán về các tình tiết trong vở kịch. Không ít người, về nhà, còn thao thức, suy tư,... Hầu như, mỗi vở kịch thành công luôn tạo được quanh nó một bầu không khí chung, kết tụ từ hứng thú của chính người xem kịch.

Thế nhưng, nguyên nhân nào khiến mọi người đều có hứng thú xem kịch như thế?

Đầu tiên, với tư cách một loại hình nghệ thuật, kịch là một hình thức giải trí đặc biệt, dành cho tất cả mọi người. Con người, muốn cuộc sống tinh thần được quân bình, đều phải biết giải trí. Ai ai cũng có nhu cầu được giải trí. Cách giải trí tốt nhất là tìm một môi trường sống khác, để có dịp thay đổi trạng thái cảm xúc, để nếm trải thử những cảm giác mà mình chưa bao giờ được biết. Trong nhịp sống đô thị hiện nay, ai ai cũng lao động căng thẳng. Trí thức lẫn công nhân đều tập trung cao độ cho phần việc chuyên môn của mình. Công việc lặp đi lặp lại hàng ngày khiến họ sống đơn điệu, nhàm chán, đôi khi trầm uất. Ngay như ở nông thôn, người nông dân cứ làm mãi một công việc, suy nghĩ mãi một vấn đề, họ cũng dễ rơi vào trạng thái như thế. Lúc đó, nếu tìm đến kịch, mỗi người sẽ có được những giờ phút giải trí hữu hiệu cho riêng mình. Vì sao vậy? Vì kịch chính là đời sống, một cuộc sống thu nhỏ, nhưng có đủ mọi mối quan hệ cá nhân, gia đình, xã hội chằng chịt. Bỏ ra vài giờ đồng hồ xem kịch, chẳng cần đi đâu xa, mỗi người được hòa nhập vào nhiều môi trường sống khác. Họ được nếm trải, lây lan biết bao cảm xúc. Người nhút nhát, trầm tư tìm thấy không khí sôi nổi, vui tươi, từ các nhân vật trẻ trung, quen hài hước. Người quá sôi nổi có được giây phút lắng đọng, thâm trầm, từ những nhân vật có chiều sâu nội tâm. Những ai hời hợt đột nhiên thấy mình chững chạc, sâu sắc hơn lên, nhờ nhập tâm theo một vai diễn nào đó. Mỗi vở kịch đều đặt ra một vấn đề cụ thể, nhằm kích thích người xem suy nghĩ.

Ví dụ, xem vở kịch Bông hồng cài áo (nghệ sĩ Kim Cương biên kịch, đạo diễn và tham gia diễn xuất), khán giả lần lượt được chứng kiến một cảnh chuẩn bị quay phim vui vẻ; được đặt chân vào một căn nhà cho thuê, lụp sụp, nghèo nàn; có khi hiện diện trong một phòng khách lộng lẫy, xa hoa; kể cả bước tới nhà thương điên, nơi có những con người dị dạng về nhân cách. Theo dõi vở vở kịch, khán giả nhiều phen bật cười vì tính thích đua đòi, cách ăn diện đỏm dáng, lố lăng của bà cô ế chồng và đứa cháu gái nhà nghèo, vì những đoạn đối thoại ăn miếng trả miếng giữa các nhân vật. Nhưng khán giả chợt ứa nước mắt, thậm chí bất bình, trước cảnh đứa con xua đuổi bà mẹ đang gánh nồi chè đến bán cho đoàn làm phim, nơi cô sắp thành người nổi tiếng. Tiếng rao của bà mẹ nhỏ dần, xa dần, nghe như tiếng nấc. Khán giả cũng ngậm ngùi, khi nhân vật cô chủ nhà bị người yêu hiểu lầm, ghen tuông. Chỉ vì, tuần nào, cô cũng âm thầm rời thành phố, đến dưỡng trí viện Biên Hòa, thăm bà mẹ già mất trí. Bà điên dại, từ sau tai nạn thảm khốc, cướp đi sinh mạng hai đứa con yêu quý. Xem xong vở kịch, biết bao người con giật mình, vì từ lâu, họ quên rằng mình còn có một người mẹ ở trên đời. Mình sống giàu sang, sung sướng, trong khi người mẹ ở quê nhà đang cô đơn, hẩm hút, cần tình yêu thương, chăm sóc của những đứa con. Và cũng có biết bao người con ngậm ngùi, vì tiếc nhớ mẹ. Lúc mẹ còn sống, mình quá vất vả, túng thiếu, không lo được gì cho mẹ. Giờ mình tiền bạc đủ đầy thì mẹ mãi mãi đi xa. Vở kịch đặt cho mỗi người, sau khi xem, một mối suy nghĩ về đạo làm con, đạo lý làm người. Sau cảm giác được giải tỏa những căng thẳng hàng ngày, khán giả dấy lên những suy tư mà vở kịch gợi ra. Trái với tâm trạng căng thẳng vì công việc, những suy tư này luôn gây nên cảm xúc thẩm mỹ nơi khán giả. Bởi về bản chất, kịch là một thứ giải trí cao cấp. Gây cho con người khoái cảm, đồng thời, nó nâng giá trị con người lên, giúp con người vươn đến một thị hiếu thẩm mỹ cao quý.  

Sau tác dụng giải trí, kịch đáp ứng nhu cầu tình cảm của con người. Mỗi người, đều vì lẽ này hay hoàn cảnh khác, thường ít được sống thật với con người mình, ít được bộc lộ đầy đủ mọi cung bậc tình cảm của mình. Có người, quanh năm suốt tháng, đăm chiêu, âu lo, vì miếng cơm manh áo. Họ ít có được nụ cười. Có người, về nhà thì lệ thuộc gia đình, đến công sở thì bị chèn ép, chịu lắm thiệt thòi. Họ thừa quá nhiều tiếng thở dài, sự im lặng. Có người phải ôm mãi một nỗi u uất, vì hứng chịu oan trái, bất công. Họ lại thường xuyên cau có, hay giễu cợt, hoài nghi. Có người, vì công việc, luôn phải cười tươi với tất cả, nhưng lòng vương trăm mối tơ vò. Họ dễ bị thẫn thờ, hốt hoảng,... Hầu hết những con người ấy đều phải sống phiến diện về mặt tình cảm. Họ cần được giải tỏa, được có cơ hội bộc lộ mọi trạng thái cảm xúc vốn bị chôn vùi bấy lâu. Họ có thể tùy thích chọn lựa một cách giải trí nào đó. Nhưng, nếu đến với kịch, họ sẽ được đáp ứng đầy đủ nhu cầu này. Bởi, kịch luôn là chuyện đời, chuyện thân phận của con người. Trong một vở kịch, có biết bao cảnh ngộ, bao nhiêu biến cố. Vui, buồn, hờn giận, yêu thương, căm ghét, sướng vui, ham muốn,... các nhân vật đều có cả. Người xem sẽ tìm thấy ở từng vở kịch, những nhân vật có hoàn cảnh giống mình, thậm chí khổ ải, chịu oan khuất hơn mình. Họ cảm giác, những suy nghĩ, nguyện vọng mình từng chôn giấu, đã được các nhân vật nói thay. Họ hân hoan, vì bất ngờ tìm ra một thái độ sống khác, tích cực hơn, có ý nghĩa hơn.

Ví dụ, khi xem vở Nhân danh công lý (Lưu Quang Vũ biên kịch, Doãn Hoàng Giang đạo diễn), người xem thấy có mình, có người thân của mình, trong tính cách nhân vật cô giáo trẻ bị lừa gạt, bị chiếm đoạt. Đó là con người hồn nhiên, trong sáng, cả tin,... Người xem được dịp công khai bộc lộ lòng căm tức, khinh bỉ một Hoàng Tú, đứa con cậy quyền thế cha mẹ, làm điều vô đạo. Khán giả cũng lắc đầu cười chua chát trước nhân vật bà vợ ông thứ trưởng. Bà cưng chiều con đến mù quáng, tìm cách che giấu tội trạng của con. Khi con bị bắt, bà tất tả vào trại giam, nhờ cán bộ gởi cho con chiếc gối bông, một cục xà phòng thơm, sợ nó không quen thiếu thốn. Đặc biệt, khán giả càng xúc động, thỏa mãn, khi kết thúc vở kịch là cảnh ông thứ trưởng chấp thuận theo phán quyết của tòa án, đành để đứa con sát nhân chịu tội tử hình. Vở kịch làm vỡ òa những ẩn ức bấy lâu trong lòng khán giả. Họ vốn bất mãn những kẻ con ông cháu cha, cậy quyền cậy thế, gây bao tội lỗi. Xem xong vở kịch này, mọi người có thêm những tình cảm, suy nghĩ khác: vững tin vào bản chất tốt đẹp của xã hội, của luật pháp; trở lại yêu đời, yêu cuộc sống; muốn có một hành động nào đó, góp phần tận diệt những mầm mống của sự giả dối, đớn hèn và tội ác.

Hay, khi xem vở kịch Đất lở (soạn giả Ngọc Linh), khán giả chạnh lòng xót xa về một miền đất ven sông, mỗi ngày một sạt lở, trước tình cảnh một gia đình thường xuyên thiếu đói. Họ chạnh lòng, sực tỉnh: mình còn có một quê hương đất nước; còn có những người thân, có đồng bào lam lũ, khổ nghèo như thế. Họ cũng không giấu nụ cười yêu mến, đồng cảm, tự hào, khi xem nhân vật Ông Sáu, cương quyết ở lại căn nhà sắp bị sụp lở xuống sông, chứ không về với con trai, con dâu, nơi sắp có cảnh "đất lở" ngay trong nhà. Ông quyết liệt bảo vệ tình yêu của cô cháu gái, không thỏa hiệp với kiểu sống tráo trở, bất nghĩa, bất nhân. Còn những khán giả trẻ, các cô gái mới lớn, không khỏi xúc động, hồi hộp, như thấy được mình, qua mối tình của nhân vật chính: ghê sợ, tránh xa những kẻ cậy giàu, hợm hĩnh và thác loạn; thủy chung với người biết trọng danh dự, sống hiếu thảo, nghĩa tình,... Mọi khán giả đều được tự nhiên bộc lộ mọi rung cảm, thái độ, mà ngày thường, họ phải âm thầm che giấu.

Một nguyên nhân hấp dẫn khác của kịch, chính là nó thỏa mãn trí tưởng tượng của người xem. Là người, ai cũng biết tưởng tượng, luôn có nhu cầu được tưởng tượng. Vì thực tế đời sống luôn nghèo nàn, không như ý muốn, nên con người luôn tìm mọi cách để được tưởng tượng: suy tưởng, hoang tưởng, mơ tưởng, dự tưởng, không tưởng, ảo tưởng,... Qua tưởng tượng, con người vơi bớt sự nghèo nàn về tinh thần, những khiếm khuyết, như được đắp bù những thua thiệt của bản thân. Từ đó, họ lấy lại trạng thái cân bằng. Thiếu đi khả năng tưởng tượng, con người sẽ thiếu sáng tạo, dễ lãng quên quá khứ, không biết lường trước hiện tại, tương lai.

Bởi vậy, khi xem một vở kịch, con người tha hồ dự vào trò chơi tưởng tượng. Chúng ta thử xem vở kịch Dạ cổ hoài lang (Thanh Hoàng biên kịch, với diễn xuất của nghệ sĩ Thành Lộc, Việt Anh),... Vở kịch kể về nỗi buồn cô đơn của những ông già xa xứ, phải sống tận trời Tây. Qua tài năng dẫn dắt, đối thoại tung hứng của các nghệ sĩ, người xem tưởng tượng ra không khí, cuộc sống của những gia đình người Việt trên đất Mỹ: giới trẻ lao khỏi nhà kiếm tiền, cha mẹ và con cái hiếm được ngồi bên nhau; người già thèm từng người bạn, nhớ từng rặng tre, từng con sông của quê nhà, thèm được nhắc lại từng kỷ niệm thời trẻ,... Sân khấu chỉ có mấy tấm tranh lụa đơn sơ, mà khán giả, cùng nhân vật, đồng tình tưởng tượng ra cảnh làng quê. Nhìn mấy nén nhang trên tay diễn viên, nhìn ổ bánh sinh nhật đặt trên bục gỗ, khán giả vẫn tưởng tượng ra một ngày giỗ người thân, trên xứ sở thừa bơ sữa. Cứ thế, người xem sẽ lần lượt thả trí tưởng tượng của mình, theo hành động kịch. Họ tưởng tượng và lựa chọn, nếu chỉ vì đồng tiền, mình có nên bỏ xứ sở ra đi? Họ tưởng tượng và phán xét, nếu ở vào hoàn cảnh đứa con, mình phải làm gì để an ủi tuổi già cho cha mẹ?

Sức mạnh tưởng tượng, được khán giả vận dụng khi xem diễn kịch, có ý nghĩa tích cực đối với đời sống tinh thần của họ. Không chỉ gây hưng phấn, nó còn thanh lọc, điều chỉnh những suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ, sai lạc, mù quáng,... bấy lâu trong mỗi con người. Nó giúp khán giả nhận diện rõ hơn cuộc đời thật, hình dung sáng tỏ hơn cuộc hành trình của mình về phía tương lai. Nó giúp mỗi người, không chỉ thấy bản thân, gia đình nhỏ hẹp, mà còn nhận ra xung quanh, mình còn có làng xóm, đồng bào. Phát huy được trí tưởng tượng của người xem, kịch đã chắp đôi cánh rộng, để tâm hồn con người có cơ hội bay lên bầu trời tốt đẹp, cao thượng. Nó giúp con người biết sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

 

***

 

Trên đây là một vài thu hoạch của bản thân, sau khi được học qua chuyên đề Lý thuyết kịch nói hiện đại. Người viết không nói nhiều về kịch, với tư cách một kịch bản văn học, vì thiết nghĩ, sức sống, linh hồn của kịch chỉ bộc lộ thực sự , đầu đủ trên sàn diễn. Sự kết hợp giữa kịch bản và sân khấu cũng là một kết hợp đẹp, như thơ ca từng kết duyên cùng hội họa.

Nói đến kịch, chúng ta phải nói đến hứng thú của người xem kịch, bởi đó là sự bộc lộ rõ nhất, sức mạnh lây lan, ý nghĩa thiết thân của kịch đối với đời sống xã hội, đối với cuộc sống tinh thần của mỗi con người.

Niềm hứng thú này, mỗi người có thể tự tìm lấy và duy trì, thật đơn giản và dễ dàng, bằng cách một ngày nào đó, cùng ngồi với bạn bè, người thân xem diễn kịch. Mỗi người tự do thả tâm hồn, trí tưởng tượng của mình vào vở kịch, như người trong cuộc. Và cùng hân hoan, vui cười, hồi hộp, xúc động,... Rồi chúng ta sẽ nhận ra, mình là người hạnh phúc đến dường nào, khi xem được một vở kịch hay. Đó là niềm hạnh phúc của một người được sống trong một đời sống, mà ở đó, tất cả đều được mỹ hóa, đạo đức hóa, chuẩn hóa, xã giao hóa,... Ở đó, con người được sống với ý nghĩa đẹp nhất của từ "Người".

 

Thành phố Mỹ Tho, tháng 07 năm 2002

 

 

š­

 

 

 



(*) Theo Văn học 11- Tập Hai, Lương Duy Trung (chủ biên), trang 7, NXB Giáo Dục, 1991

 




No comments:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu