Nhớ



Nhớ

Lúc em nhận ra, em đã trở thành một cái máy chạy dọc, chạy ngang trong lòng thành phố. Cũng từ lúc đó, em cứ mặc kệ luôn, mặc kệ cái sự chạy dọc, chạy ngang và chạy nhiều hơn là sống của mình.
Em cũng ít về trường. Ít gặp lại bạn bè cũ. Thi thoảng, giữa những bộn bề cuộc sống, em nghe loáng thoáng được ở đâu đó những cái tên xưa cũ X. , Y. , Z. , … và tự trấn an mình: tất cả đều đang tiến lên phía trước. Em cũng chỉ làm giống y như những người khác mà thôi.
Nhưng rõ ràng, những cái tên cũ luôn có một sức hút nào đó, rất đặc biệt, với cái trí nhớ kém cỏi của em. Trong khi tình hình kinh tế lên và xuống, giá vàng, chứng khoán, bất động sản xuống rồi lên, công ty nọ, khách hàng kia… em phải dùng đến hàng tá sổ tay, ghi chú, lịch điện thoại, lịch máy tính… và những khi mệt mỏi, cơ thể em tự bảo vệ bằng chức năng miễn dịch, miễn nhập với tất cả những thông tin đó; thì bất kì lúc nào, ở đầu, đang làm gì, chỉ cần nghe, thoáng nghe về bạn bè, trường lớp cũ, cái tai hóng hớt của em nó lại vểnh lên.
Trên thương trường đầy gai và đầy “bẫy”, khái niệm bạn học cũ, không biết tự bao giờ trở nên vừa an toàn, vừa tin cậy trong em. Nếu cần giới thiệu, hay bảo lãnh, em thích bảo lãnh cho bạn học cũ (dù rằng em chẳng có thời gian mà cọ sát với năng lực chuyên môn của nó), bởi theo trí nhớ của em, ngày xưa, nó là một đứa bạn chơi được, đàng hoàng, ngồi chung bàn, kẻ phấn thẳng tắp, chẳng đứa nào lấn chỗ đứa nào lấy một lần. Công ty đối tác có chỗ làm trống, lương cao, chẳng đòi hỏi gì nhiều ngoài quen biết, mà thằng bạn nối khố của em mải đi nghĩa vụ quân sự chưa kịp về, thì, ừ, phòng nhân sự bên ấy cứ đợi đấy, rồi một, hai tháng nữa bạn em nó về. Ngày xưa, nó là nỗi sợ hãi kinh hoàng của các thầy, các cô môn chính và môn phụ, và nhất là thầy giám thị. Nó không ngồi yên một chỗ bao giờ. Nhưng nó là bạn thân của em.
Một đứa bạn khác đi du học trời Tây. Mặc dù nó về Việt Nam như cơm bữa, nhưng lần nào nó về với em cũng như lần đầu. Lại diễn lại cái kịch bản ríu ra ríu rít tao đón mày, tao đưa mày đi chơi, tao tiễn mày về… Nó về là họp lớp. Mà không. Nó về thì em mới đi họp lớp. Tự khắc nghiệt với bản thân về một lí do không thể trì hoãn, để vứt hết công việc mà đi ngồi lê cà phê cà pháo, đánh bài tán láo về chuyện trường mình thành trường chuyên, thầy nọ nghỉ, cô kia có em bé, lớp mình mấy đứa làm nghề nọ, mấy đứa làm nghề kia…
Những giây phút ấy, thật hiếm hoi, được ăn, được nói, được cười đùa mà chẳng phải suy nghĩ, cân nhắc, tính toán gì… Vì em tin chúng nó, chúng nó là bạn em.
Cũng có những lúc, em nghĩ, và em thấy tiêng tiếc. Nếu mà em được quay lại ngày ấy, các bác ạ, nhất định em sẽ tử tế hơn với bọn bạn của em. Không tranh cãi nhiều, không cãi cọ, giận hờn. Có thể, có thể thôi nhé, em sẽ chăm học hơn, nhất là các môn tự nhiên, chứ không chỉ chăm chú vào môn Văn yêu thích của em nữa. Em chẳng muốn các Thầy phải vò đầu, bứt tai, khổ sở khi phải cố gắng nhét thêm số, thêm công thức vào cái đầu ương bướng của em. Em cũng sẽ cố gắng bỏ qua thói ì cố hữu để tham gia thêm những hoạt động ngoại khóa, có nhiều thời gian hơn với thầy cô, bè bạn. Bởi em ích kỉ. Bởi em tham lam. Bởi em tiếc, và em muốn có thêm thật nhiều kỉ niệm.
Bởi vì…
Tất cả những người em quen biết và kính trọng, đều có câu cửa miệng thế này: chẳng có khoảng thời gian nào đẹp như thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cũng chẳng có bạn bè nào vô tư và hết lòng như bạn bè phổ thông. Ngày xưa em không tin, nhưng đi nhiều, gặp nhiều, trải qua nhiều chuyện, em nghiệm thấy, trong câu nói ấy, đến chín mươi phần trăm là sự thật, mười phần trăm còn lại là phụ gia của nỗi nhớ, càng nhớ nhiều, càng thấy nuối tiếc, thấy đẹp lung linh.
Cái lung linh ấy, không che giấu được trong em những lỗi lầm. Trẻ con – nông nổi và vụn vặt. Những suy nghĩ không tốt. Những hành động không đúng. Những lời nói không nên. Sự hối tiếc, và cả hối hận, cứ như cái chặn giấy trong tâm hồn, đặt ở đâu, nó còn nguyên ở đấy, day dứt. Đáng lẽ… Đáng ra… Giá như… Song cuộc sống đã dạy em bài học về sự nhớ và sự lãng quên. Cái tinh thần trung học ấy, em mang theo trong mình như một tài sản quý giá. Còn những nỗi buồn xếp lại như xếp sách xếp vở. Còn sống thì còn phải tiến lên.
Thành thực với lòng mình, nếu được làm lại, có lẽ em sẽ chẳng thể làm tốt hơn, vì mọi thứ diễn ra đều có ý nghĩa riêng của nó. Nếu không có những sai lầm, ngớ ngẩn và ngang bướng ấy, em đã chẳng tin và chẳng yêu đến thế một khoảng thời gian, một mái trường, một phần đời với biết bao gương mặt từ xa lạ bỗng hóa thân quen.
Chỉ có điều, nếu quay ngược lại được thời gian, em biết, mình sẽ trân trọng hơn, và hết mình hơn với những gì được nhận và được trao đi.

Đỗ Thanh Vân




1 comment:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu