GREGOR MENDEL - CHA ĐẺ CỦA DI TRUYỀN HỌC
GREGOR MENDEL - CHA ĐẺ CỦA DI TRUYỀN HỌC
(1822 - 1884)
Johann Mendel sinh ngày 20 tháng 07 năm 1822, trong một gia đình nông dân Đức ở Heinzendorf bei Odrau, thuộc Đế quốc Áo - Hung (nay là Hynčice, Cộng hòa Czech). Ông được rửa tội hai ngày sau đó, thân sinh là ông bà Anton Mendel và Rosine Mendel. Họ sinh sống và làm việc trong một nông trại vốn đã được gia tộc Mendel sở hữu trong suốt 130 năm. Xuất thân trong một gia đình nông dân, Johann Mendel làm việc như một thợ làm vườn, nghiên cứu về cách nuôi ong. Lúc trẻ, Mendel có học lực và thể lực tốt, tham gia thể dục thể thao và từ năm 1840 đến 1843, ông học lý thuyết và thực hành triết học cũng như vật lý tại khoa triết của Đại Học Olomouc. Song, ngoài việc học ông cũng phải làm việc kiếm sống, do số tiền cha mẹ cung cấp cho không được bao nhiêu. Nhờ sự tiến cử của giáo viên dạy vật lý Friedrich Franz, ông được nhận vào học tại tu viện St. Thomas dòng Augustine ở Brno năm 1843, và lấy tên dòng là Gregor Mendel . Năm 1851, với sự hỗ trợ của Cha bề trên Napp, ông được gửi tới Đại học Tổng hợp Vienna để nghiên cứu, ở đây ông nghiên cứu về toán học thống kê và khoa học. Năm 1853, Gregor Mendel hoàn tất việc học tại Đại họcVienna, và quay về tu viện. Khi Mendel 31 tuổi, ông đến giảng dạy tại Trường Cao đẳng thực hành Thành phố Bruno.
Cũng như các thầy dòng trong tu viện, Mendel vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Trong 7 năm (1856-1863) ông tiến hành các thí nghiệm lai trên đậu Hà Lan (Pissum sativum) trong một mảnh vườn nhỏ của tu viện. Với quá trình quan sát ở khoảng 37 ngàn cây đậu và 300 ngàn hạt đậu, Mendel đã chứng minh sự di truyền do các nhân tố di truyền (genes).
Mendel đã quan sát và lựa chọn 7 cặp tính trạng chất lượng của đậu Hà Lan có sự tương phản rõ ràng, dễ quan sát cho các phép lai đơn tính. Trong các thí nghiệm ông đã sử dụng các vật liệu thuần chủng (biết rõ nguồn gốc và qua các đời tự thụ phấn); theo dõi riêng từng cặp tính trạng qua nhiều thế hệ; đánh giá khách quan các kết quản quan sát; sử dụng cách biểu thị kết quả đơn giản, dễ hiểu. Các khái niệm về tính trội - lặn cũng đã được ông đưa ra và trình bày trước Hội các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên vào năm 1865 tại Bruno.
Sao mà hẩm hiu. Năm 1866, Mendel công bố công trình nghiên cứu trên báo của hội Nghiên cứu lịch sử tự nhiên ở Bruno. Chẳng có tiếng vang. Nếu Mendel là một khoa học gia hàn lâm thì ông có thể trình bày rộng rãi công trình của mình và có thể công bố ở nước ngoài. Ông đã cố gắng gởi bài báo cáo tới một số nhà khoa học. Chỉ là một phấn đấu yếu ớt của một tác giả ít ai biết, viết trên một tờ báo không mấy người để ý. Hai năm sau (1968) Mendel được bầu làm bề trên tu viện (tu viện trưởng). Ông vẫn tiếp tục vài công trình lai giống. Muốn nâng cấp nghiên cứu lên loài vật, lần này thì nuôi ong, Mendel thành công lai tạo giống ong cho mật thật tốt, nhưng các con ong này chích nhiều người trong vòng vài dặm và bị giết lần lần. Phần lớn quãng đời còn lại phải tập trung lo cho tu viện. Ngưng hẳn nghiên cứu vào năm 1870. Ông qua đời vào năm 1884 ở tuổi 62. Tu viện trưởng mới đã đốt hết giấy tờ tài liệu của Mendel. Công trình trồng đậu bị lãng quên.
Thế kỷ 20 ló dạng, kết quả nghiên cứu của Mendel được tái khám phá và một khoa học mới ra đời. Năm 1900 công trình của Mendel được ba nhà thảo mộc học độc lập nhau nhìn nhận, uy tín nhất là Hugo de Wries. Sau 34 năm, mới khỏi cảnh hẩm hiu. Các kính hiển vi đời mới cho phép nhìn sâu hơn trong tế bào, đặc biệt là khám phá các thể nhiễm sắc (TNS) và DNA. Năm 1903, người ta gắn kết hoạt động của TNS với những điều Mendel tìm thấy. Năm 1905, một nhà khoa học người Anh đặt tên genetics cho ngành học mới về sự di truyền. Bốn năm sau, người ta đổi từ “nhân tố di truyền” (elements) của Mendel thành ra “các gen” (genes).
Các khám phá tiếp theo càng làm sáng giá công trình của Mendel. Thomas Hunt Morgan đại học Columbia, nổi tiếng với “phòng thí nghiệm ruồi”, đã khảo sát nhiều đời ruồi dấm với các đặc điểm – như là màu mắt và độ rộng của cánh. Rõ ràng có mối quan hệ giữa các đặc điểm này với TNS và lại còn biết chỗ của gen. Rồi đến khám phá lớn nhất kể từ Mendel: Watson và Crick hoàn chỉnh cấu trúc xoắn đôi DNA năm 1953. Thế hệ tiếp nối thực hiện nhiều thành tựu.
Chỉ vài tháng trước khi qua đời, Mendel vững một niềm tin: “việc nghiên cứu đã cho tôi hạnh phúc vô bờ, chẳng bao lâu nữa cả thế giới sẽ nhìn nhận các khám phá của tôi”. Ông đoán đúng. Không, ông đã thấy trước. Cũng như đã thấy trước mọi người các yếu tố di truyền chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mendel đúng là tổ sư của di truyền.
Tiến sĩ Francis S. Collins vừa được Tổng thống B. Obama bổ nhiệm lãnh đạo viện Sức khoẻ quốc gia (N.I.H). Vinh dự cao quý, Collins chính là giám đốc Dự án giải mã bộ gen người, hoàn thành năm 2003, ông đã nói: “Thành tựu thời nay lại bắt đầu từ thầy tu trẻ Gregor Mendel trồng đậu. Hơn một thế kỷ rồi...”
Tags: Sinh Học lớp 9
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments: